global auditing

Enhance your values

MỤC LỤC

 

1. Khái niệm lệ phí môn bài/thuế môn bài

2. Đối tượng nộp lệ phí môn bài / thuế môn bài

3. Đối tượng được miễn nộp lệ phí môn bài / thuế môn bài

4. Mức thu lệ phí môn bài/ thuế môn bài – Bậc thuế môn bài

5. Hồ sơ khai lệ phí môn bài/thuế môn bài

6. Địa điểm nộp hồ sơ khai lệ phí môn bài/thuế môn bài

7. Thời hạn nộp hồ sơ khai lệ phí môn bài/ thuế môn bài

8. Thời hạn nộp lệ phí môn bài/ thuế môn bài

9. Cách nộp hồ sơ khai thuế và nộp tiền lệ phí môn bài

10. Mức xử phạt chậm nộp hồ sơ khai thuế và tiền nộp lệ phí môn bài

 

I. KHÁI NIỆM LỆ PHÍ MÔN BÀI/ THUẾ MÔN BÀI

 

 

 

Lệ phí môn bài (hay Thuế môn bài) là một loại thuế trực thu do cá nhân, hộ kinh doanh, tổ chức sản xuất kinh doanh hàng hoá, dịch vụ thực hiện nghĩa vụ nộp hàng năm dựa trên cơ sở là vốn đầu tư hoặc vốn điều lệ, doanh thu cho cơ quan quản lý thuế trực tiếp.

Căn cứ tại điểm a Khoản 3 Điều 8 Nghị định 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 quy đình: Lệ phí môn bài là khoản thu thuộc ngân sách nhà nước khai và nộp theo năm.

Trừ một số trường hợp được miễn thuế lệ phí môn bài/thuế môn bài thì mọi cá nhân, hộ kinh doanh, tổ chức kinh doanh phải nộp lệ phí môn bài/thuế môn bài như một loại thẻ bài để được tiếp tục kinh doanh, sản xuất.

Tên gọi: thuế môn bài dù vẫn được mọi người sử dụng phổ biến nhưng đã không còn được dùng trong văn bản pháp luật Nhà nước từ 01/01/2017 theo hướng dẫn tại Luật Phí và lệ phí năm 2015, Nghị định 139/2016/NĐ-CP của Chính phủ mà thay vào đó với tên gọi mới là “lệ phí môn bài”.

 

 

II. ĐỐI TƯỢNG NỘP LỆ PHÍ MÔN BÀI / THUẾ MÔN BÀI

 

Căn cứ Điều 2 Nghị định 139/2016/NĐ-CP ngày 4/10/2016 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2017 và khoản 1 Điều 1 Thông tư 65/2020/TT-BTC ngày 9/7/2020 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 23/8/2020, quy định đối tượng nộp lệ phí môn bài/ thuế môn bài là tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc các trường hợp bao gồm sau đây:

 

1. Doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật.

2. Tổ chức được thành lập theo Luật hợp tác xã.

3. Đơn vị sự nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật.

4. Tổ chức kinh tế của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, đơn vị vũ trang nhân dân.

5. Tổ chức khác hoạt động sản xuất, kinh doanh.

6. Chi nhánh, văn phòng đại diện và địa điểm kinh doanh của các tổ chức quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 và 5 Điều này (nếu có).

7. Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình hoạt động sản xuất, kinh doanh

 

 

III. ĐỐI TƯỢNG ĐƯỢC MIỄN NỘP LỆ PHÍ MÔN BÀI / THUẾ MÔN BÀI

 

Căn cứ Điều 3 Nghị định 139/2016/NĐ-CPKhoản 1 Điều 1 Nghị định 22/2020/NĐ-CP ngày 24/2/2020 sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 139/2016/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 25/02/2020 quy định các trường hợp được miễn lệ phí môn bài như sau:

 

1. Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình hoạt động sản xuất, kinh doanh có doanh thu hàng năm từ 100 triệu đồng trở xuống.

2. Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình hoạt động sản xuất, kinh doanh không thường xuyên; không có địa điểm cố định theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.

3. Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình sản xuất muối.

4. Tổ chức, cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình nuôi trồng, đánh bắt thủy, hải sản và dịch vụ hậu cần nghề cá.

5. Điểm bưu điện văn hóa xã; cơ quan báo chí (báo in, báo nói, báo hình, báo điện tử).

6. Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã (bao gồm cả chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh) hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp theo quy định của pháp luật về hợp tác xã nông nghiệp.

7. Quỹ tín dụng nhân dân; chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và của doanh nghiệp tư nhân kinh doanh tại địa bàn miền núi. Địa bàn miền núi được xác định theo quy định của Ủy ban Dân tộc.

8. Miễn lệ phí môn bài trong năm đầu thành lập hoặc ra hoạt động sản xuất, kinh doanh (từ ngày 01 tháng 01 đến ngày 31 tháng 12) đối với:

a) Tổ chức thành lập mới (được cấp mã số thuế mới, mã số doanh nghiệp mới).

b) Hộ gia đình, cá nhân, nhóm cá nhân lần đầu ra hoạt động sản xuất, kinh doanh.

c) Trong thời gian miễn lệ phí môn bài, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, nhóm cá nhân thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh thì chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh được miễn lệ phí môn bài trong thời gian tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, nhóm cá nhân được miễn lệ phí môn bài.

9. Doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển từ hộ kinh doanh (theo quy định tại Điều 16 Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa) được miễn lệ phí môn bài trong thời hạn 03 năm kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu.

a) Trong thời gian miễn lệ phí môn bài, doanh nghiệp nhỏ và vừa thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh thì chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh được miễn lệ phí môn bài trong thời gian doanh nghiệp nhỏ và vừa được miễn lệ phí môn bài.

b) Chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp nhỏ và vừa (thuộc diện miễn lệ phí môn bài theo quy định tại Điều 16 Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa) được thành lập trước thời điểm Nghị định này có hiệu lực thi hành thì thời gian miễn lệ phí môn bài của chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh được tính từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành đến hết thời gian doanh nghiệp nhỏ và vừa được miễn lệ phí môn bài.

c) Doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi từ hộ kinh doanh trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành thực hiện miễn lệ phí môn bài theo quy định tại Điều 16 và Điều 35 Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

10. Cơ sở giáo dục phổ thông công lập và cơ sở giáo dục mầm non công lập”.

 

 

IV. MỨC THU LỆ PHÍ MÔN BÀI / THUẾ MÔN BÀI – BẬC THUẾ MÔN BÀI NHƯ THẾ NÀO?

 

 

 

Theo Khoản 1 và Khoản 2 Điều 4 Nghị định 139/2016/NĐ-CPKhoản 1, Khoản 2 Điều 4 Thông tư 302/2016/TT-BTC ngày 15/11/2016  và Khoản 3 Điều 1Thông tư 65/2020/TT-BTC ngày 9/7/2020 sửa đổi bổ sung Thông tư 302/2016/TT-BTC, mức lệ phí môn bài/thuế môn bài được quy định như sau:

1. Mức thu lệ phí môn bài/ thuế môn bài đối với tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ như sau:

 

STT

Đối tượng và căn cứ thu

Mức nộp lệ phí môn bài/thuế môn bài

1

Tổ chức có vốn điều lệ hoặc vốn đầu tư trên 10 tỷ đồng - Căn cứ vào vốn điều lệ ghi trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc ghi trong giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc ghi trong điều lệ hợp tác xã.

3.000.000 (ba triệu) đồng/năm

2

Tổ chức có vốn điều lệ hoặc vốn đầu tư từ 10 tỷ đồng trở xuống - Căn cứ vào vốn điều lệ ghi trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc ghi trong giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc ghi trong điều lệ hợp tác xã.

2.000.000 (hai triệu) đồng/năm

3

Chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh, đơn vị sự nghiệp, tổ chức kinh tế khác

1.000.000 (một triệu) đồng/năm

 

Lưu ý:

Trường hợp không có vốn điều lệ thì căn cứ vào vốn đầu tư ghi trong giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc văn bản quyết định chủ trương đầu tư.

Tổ chức nếu có thay đổi vốn điều lệ hoặc vốn đầu tư thì căn cứ để xác định mức thu lệ phí môn bài là vốn điều lệ hoặc vốn đầu tư của năm trước liền kề năm tính lệ phí môn bài.

Trường hợp vốn điều lệ hoặc vốn đầu tư được ghi trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy chứng nhận đăng ký đầu tư bằng ngoại tệ thì quy đổi ra tiền đồng Việt Nam để làm căn cứ xác định mức lệ phí môn bài theo tỷ giá mua vào của ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng nơi người nộp lệ phí môn bài mở tài khoản tại thời điểm người nộp lệ phí môn bài nộp tiền vào ngân sách nhà nước.

 

2. Mức thu lệ phí môn bài/ thuế môn bài đối với cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ như sau:

 

STT

Đối tượng và căn cứ thu

Mức nộp lệ phí môn bài/thuế môn bài

1

Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình có doanh thu trên 500 triệu đồng/năm.

1.000.000 (một triệu) đồng/năm;

2

Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình có doanh thu trên 300 đến 500 triệu đồng/năm

500.000 (năm trăm nghìn) đồng/năm

3

Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình có doanh thu trên 100 đến 300 triệu đồng/năm

300.000 (ba trăm nghìn) đồng/năm

Lưu ý:

Doanh thu để làm căn cứ xác định mức thu lệ phí môn bài đối với cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình, địa điểm mới ra kinh doanh của hộ kinh doanh như sau:

- Doanh thu để làm căn cứ xác định mức thu lệ phí môn bài đối với cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình (trừ cá nhân cho thuê tài sản) là tổng doanh thu tính thuế thu nhập cá nhân năm trước liền kề của hoạt động sản xuất, kinh doanh (không bao gồm hoạt động cho thuê tài sản) của các địa điểm kinh doanh theo quy định tại Thông tư số 92/2015/TT-BTC ngày 15/6/2015 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân đối với cá nhân cư trú có hoạt động kinh doanh

Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình đã giải thể, tạm ngừng sản xuất, kinh doanh sau đó ra kinh doanh trở lại không xác định được doanh thu của năm trước liền kề thì doanh thu làm cơ sở xác định mức thu lệ phí môn bài là doanh thu của năm tính thuế của cơ sở sản xuất, kinh doanh cùng quy mô, địa bàn, ngành nghề theo quy định tại Thông tư số 92/2015/TT-BTC ngày 15/6/2015 của Bộ trưởng Bộ Tài chính.

- Doanh thu để làm căn cứ xác định mức thu lệ phí môn bài đối với cá nhân có hoạt động cho thuê tài sản là doanh thu tính thuế thu nhập cá nhân của các hợp đồng cho thuê tài sản của năm tính thuế. Trường hợp cá nhân phát sinh nhiều hợp đồng cho thuê tài sản tại một địa điểm thì doanh thu để làm căn cứ xác định mức thu lệ phí môn bài cho địa điểm đó là tổng doanh thu từ các hợp đồng cho thuê tài sản của năm tính thuế. Trường hợp cá nhân phát sinh cho thuê tài sản tại nhiều địa điểm thì doanh thu để làm căn cứ xác định mức thu lệ phí môn bài cho từng địa điểm là tổng doanh thu từ các hợp đồng cho thuê tài sản của các địa điểm của năm tính thuế, bao gồm cả trường hợp tại một địa điểm có phát sinh nhiều hợp đồng cho thuê tài sản.

Trường hợp hợp đồng cho thuê tài sản kéo dài trong nhiều năm thì nộp lệ phí môn bài theo từng năm tương ứng với số năm cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình khai nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân. Trường hợp cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình khai nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân một lần đối với hợp đồng cho thuê tài sản kéo dài trong nhiều năm thì chỉ nộp lệ phí môn bài của một năm.

- Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình, địa điểm sản xuất, kinh doanh (thuộc trường hợp không được miễn lệ phí môn bài) nếu ra sản xuất kinh doanh trong 06 tháng đầu năm thì nộp mức lệ phí môn bài cả năm, nếu ra sản xuất kinh doanh trong 06 tháng cuối năm thì nộp 50% mức lệ phí môn bài của cả năm.”

 

V. HỒ SƠ KHAI LỆ PHÍ MÔN BÀI/THUẾ MÔN BÀI THEO MẪU NÀO?

Hồ sơ khai lệ phí môn bài 2024/thuế môn bài như sau:

Căn cứ theo Mục 10 Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định 126/2020/NĐ-CP, hồ sơ khai lệ phí môn bài (thuế môn bài) gồm:

Tờ khai lệ phí môn bài (theo Mẫu 01/LPMB quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư 80/2021/TT-BTC).

 

VI. ĐỊA ĐIỂM NỘP HỒ SƠ KHAI LỆ PHÍ MÔN BÀI/ THUẾ MÔN BÀI Ở ĐÂU?

 

Địa điểm nộp hồ sơ khai lệ phí môn bài 2024/ thuế môn bài như sau:

Căn cứ điểm k khoản 1 Điều 11 Nghị định 126/2020/NĐ-CP, địa điểm nộp hồ sơ khai lệ phí môn bài (thuế môn bài) được quy định như sau:

- Doanh nghiệp, hộ kinh doanh nộp hồ sơ khai lệ phí môn bài/thuế môn bài tại cơ quan thuế quản lý trực tiếp.

- Riêng đối với trường hợp nộp hồ sơ khai lệ phí môn bài/thuế môn bài cho đơn vị phụ thuộc, địa điểm kinh doanh có địa bàn cấp tỉnh khác với nơi có trụ sở chính thì nộp hồ sơ tại cơ quan thuế nơi có đơn vị phụ thuộc, địa điểm kinh doanh.

 

 

VII. THỜI HẠN NỘP HỒ SƠ KHAI LỆ PHÍ MÔN BÀI/ THUẾ MÔN BÀI KHI NÀO?

 

Theo khoản 1 Điều 10 Nghị định 126/2020/NĐ-CP, thời hạn nộp hồ sơ khai lệ phí môn bài (thuế môn bài) được quy định như sau:

-  Doanh nghiệp nộp lệ phí môn bài mới thành lập (bao gồm cả doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển từ hộ kinh doanh) hoặc có thành lập thêm đơn vị phụ thuộc, địa điểm kinh doanh hoặc bắt đầu hoạt động sản xuất, kinh doanh thực hiện nộp hồ sơ khai lệ phí môn bài chậm nhất là ngày 30/01 năm sau năm thành lập hoặc bắt đầu hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Trường hợp trong năm có thay đổi về vốn thì doanh nghiệp nộp hồ sơ khai lệ phí môn bài chậm nhất là ngày 30/01 năm sau năm phát sinh thông tin thay đổi.

Theo đó, doanh nghiệp nộp hồ sơ khai lệ phí môn bài một lần trong suốt quá trình hoạt động và chỉ phải nộp lại hồ sơ khai lệ phí môn bài khi có thay đổi về vốn.

-  Hộ kinh doanh không phải nộp hồ sơ khai lệ phí môn bài. Cơ quan thuế căn cứ hồ sơ khai thuế, cơ sở dữ liệu quản lý thuế để xác định doanh thu làm căn cứ tính số tiền lệ phí môn bài phải nộp và thông báo cho người nộp lệ phí môn bài thực hiện theo quy định tại Điều 13 Nghị định 126/2020/NĐ-CP.

 

 

VIII. THỜI HẠN NỘP LỆ PHÍ MÔN BÀI/ THUẾ MÔN BÀI ĐƯỢC QUY ĐỊNH NHƯ THẾ NÀO?

 

 

Thời hạn nộp lệ phí môn bài 2024/ thuế môn bài được xác định như sau: Lệ phí môn bài/thuế môn bài được nộp định kỳ hằng năm.

Theo quy định tại khoản 9 Điều 18 Nghị định 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 và có hiệu lực thi hành từ ngày 5/12/2020, quy định như sau:

-  Thời hạn nộp lệ phí môn bài chậm nhất là ngày 30 tháng 01 hàng năm.

-  Đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi từ hộ kinh doanh (bao gồm cả đơn vị phụ thuộc, địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp) khi kết thúc thời gian được miễn lệ phí môn bài (năm thứ tư kể từ năm thành lập doanh nghiệp) thì thời hạn nộp lệ phí môn bài như sau:

+ Trường hợp kết thúc thời gian miễn lệ phí môn bài trong thời gian 6 tháng đầu năm thì thời hạn nộp lệ phí môn bài chậm nhất là ngày 30 tháng 7 năm kết thúc thời gian miễn.

+ Trường hợp kết thúc thời gian miễn lệ phí môn bài trong thời gian 6 tháng cuối năm thì thời hạn nộp lệ phí môn bài chậm nhất là ngày 30 tháng 01 năm liền kề năm kết thúc thời gian miễn.

-  Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh đã chấm dứt hoạt động sản xuất, kinh doanh sau đó hoạt động trở lại thì thời hạn nộp lệ phí môn bài như sau:

+ Trường hợp ra hoạt động trong 6 tháng đầu năm: Chậm nhất là ngày 30 tháng 7 năm ra hoạt động.

+ Trường hợp ra hoạt động trong thời gian 6 tháng cuối năm: Chậm nhất là ngày 30 tháng 01 năm liền kề năm ra hoạt động.

 

 

IX. CÁCH NỘP TỜ KHAI VÀ NỘP TIỀN LỆ PHÍ MÔN BÀI/THUẾ MÔN BÀI NHƯ THẾ NÀO?

 >>>   Hướng dẫn chi tiết tại đây !

 

 

IX.  MỨC XỬ PHẠT HÀNH VI CHẬM NỘP HỒ SƠ KHAI VÀ CHẬM NỘP TIỀN LỆ PHÍ MÔN BÀI/THUẾ MÔN BÀI NHƯ THẾ NÀO?

 

 

Mức xử phạt khi nộp lệ phí môn bài và tờ khai lệ phí môn bài chậm nộp tờ khai và chậm nộp tiền được hướng dẫn cụ thể như sau:

1. Hành vi chậm nộp hồ sơ khai thuế môn bài/lệ phí môn bài

Theo quy định của Nghị định 125/2020/NĐ-CP tại Điều 13 ban hành ngày 19/10/2020, mức phạt hành chính khi chậm nộp hồ sơ khai thuế được tính như sau:

 

STT

Trường hợp vi phạm

Hình thức xử phạt

1

Đối với hành vi nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn từ 01 ngày đến 05 ngày và có tình tiết giảm nhẹ.

Phạt cảnh cáo

2

Đối với hành vi nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn từ 01 ngày đến 30 ngày, trừ trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này.

Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng

3

Đối với hành vi nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn quy định từ 31 ngày đến 60 ngày.

Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng

 

4

Đối với một trong các hành vi sau đây:

-       Nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn quy định từ 61 ngày đến 90 ngày;

-       Nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn quy định từ 91 ngày trở lên nhưng không phát sinh số thuế phải nộp;

-       Không nộp hồ sơ khai thuế nhưng không phát sinh số thuế phải nộp;

 

Phạt tiền từ 8.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng

5

Đối với hành vi nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn trên 90 ngày kể từ ngày hết hạn nộp hồ sơ khai thuế, có phát sinh số thuế phải nộp và người nộp thuế đã nộp đủ số tiền thuế, tiền chậm nộp vào ngân sách nhà nước trước thời điểm cơ quan thuế công bố quyết định kiểm tra thuế, thanh tra thuế hoặc trước thời điểm cơ quan thuế lập biên bản về hành vi chậm nộp hồ sơ khai thuế theo quy định tại khoản 11 Điều 143 Luật Quản lý thuế.

Trường hợp số tiền phạt nếu áp dụng theo khoản này lớn hơn số tiền thuế phát sinh trên hồ sơ khai thuế thì số tiền phạt tối đa đối với trường hợp này bằng số tiền thuế phát sinh phải nộp trên hồ sơ khai thuế nhưng không thấp hơn mức trung bình của khung phạt tiền quy định tại khoản 4 Điều này.

Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng

 

2. Hành vi chậm nộp lệ phí môn bài/ thuế môn bài

Trường hợp nếu doanh nghiệp nộp lệ phí môn bài trễ hơn thời hạn quy định thì mức phạt nộp chậm được tính như sau:

Doanh nghiệp xác định số tiền phạt chậm nộp tiền Lệ phí môn bài dựa vào số tiền thuế chậm nộp, số ngày chậm nộp và mức tiền chậm nộp theo quy định:

Căn cứ Khoản 2 Điều 59 Luật Quản lý thuế 2019 quy định mức tính tiền chậm nộp tiền thuế và thời gian tính tiền chậm nộp như sau:

Mức tính tiền chậm nộp và thời gian tính tiền chậm nộp được quy định như sau:

- Mức tính tiền chậm nộp bằng 0,03%/ngày tính trên số tiền thuế chậm nộp;

- Thời gian tính tiền chậm nộp được tính liên tục kể từ ngày tiếp theo ngày phát sinh tiền chậm nộp quy định tại khoản 1 Điều này đến ngày liền kề trước ngày số tiền nợ thuế, tiền thu hồi hoàn thuế, tiền thuế tăng thêm, tiền thuế ấn định, tiền thuế chậm chuyển đã nộp vào ngân sách nhà nước.

 

Số tiền phạt chậm nộp Lệ phí môn bài

=

Số tiền thuế chậm nộp

x

0.03%

x

Số ngày chậm nộp

 

Ví dụ: Quý Doanh nghiệp có số thuế/lệ phí môn bài phải nộp trong năm 2022 là 3.000.000 đồng và hạn nộp là ngày 30/1/2023. Nhưng đến ngày 25/2/2023 quý doanh nghiệp mới nộp lệ phí môn bài. Thì mức phạt được tính như dưới đây:

Số ngày quá hạn là: 25 ngày.

Số tiền phạt phải nộp là: 3.000.000 x 0,03% x 25 = 22.500 đồng.

CÔNG TY TNHH KIỂM TOÁN VÀ TƯ VẤN TÀI CHÍNH TOÀN CẦU

Văn phòng chính : Tầng 19, Khu A, Toà nhà Indochina Park Tower

Văn phòng giao dịch:  Phòng12A03, Tầng 12 và Phòng15A01, Tầng 15, Khu A, Toà nhà Indochina Park Tower

Số 4 Nguyễn Đình Chiểu, Phường Đakao ,Q.1 ,TP.HCM

Hotline: 0918 70 85 72

Tel: (84-28) 62 998 263/64        Fax: (84-28) 62 998 267

Email: info@globalauditing.com