global auditing

Enhance your values

1. Cơ sở hình thành Thuế tối thiểu toàn cầu

Trong bối cảnh toàn cầu hóa diễn ra ngày càng sâu rộng, sự phát triển của công nghệ thông tin cùng với các Mô hình kinh tế mới (kinh tế chia sẻ, kinh tế số...) ra đờiđã và đang làm thay đổi các mô hình kinh doanh truyền thống. Các công ty đa quốc gia, thông qua các công cụ như các tài sản vô hình hay các hoạt động kinh doanh qua nền tảng số xuyên quốc gia đã tận dụng cơ hội để tránh nghĩa vụ thuế thông qua các hoạt động chuyển lợi nhuận, chuyển giá...

 

 

 

Các hoạt động trên đã gây xói mòn nghiêm trọng nguồn thu ngân sách của các quốc gia, dẫn đến việc nhiều nước trên thế giới đơn phương áp dụng các loại thuế khác nhau, phát sinh bất đồng, tranh chấp giữa các nước. Cụ thể, các quốc gia đã và đang thực hiện hạ thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp để thu hút và giữ chân nhà đầu tư. Như vậy các Tập đoàn đa quốc gia là đối tượng được hưởng lợi mặc dù họ có lợi nhuận cao, nhưng phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp rất thấp, thậm chí không bị đánh thuế.

Trước thực trạng và bối cảnh đó, vào tháng 6/2013, Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD – Organization for Economic Cooperation and Development) đã khởi xướng và được nguyên thủ các quốc gia G20 thông qua sáng kiến chống xói mòn cơ sở thuế và chuyển dịch lợi nhuận (Base Erosion and Profit Shifting - BEPS) với 2 nội dung chính:

- Phân chia quyền đánh thuế, thực hiện đánh giá về phân bổ lợi nhuận và xây dựng các nguyên tắc phân bổ lợi nhuận toàn cầu;

- Đảm bảo rằng tất cả các doanh nghiệp hoạt động đầu tư quốc tế phải trả mức thuế tối thiếu.

Năm 2015, Bộ trường Tài chính các nước G20 đề nghị OECD thiết lập Khuôn khổ hợp tác chung, theo đó đến đầu năm 2016 các nước không thuộc nhóm G20, đặc biệt là các nước đang phát triển tham gia Diễn đàn hợp tác chung IF trên cơ sở bình đẳng như nhau.

Năm 2017, Việt Nam đã tham gia và là thành viên thứ 100 của BEPS. Đến nay, đã có 142 nước tham gia Diễn đàn này.

Ngày 5/6/2021, các Bộ trưởng Tài chính của Nhóm các nền kinh tế phát triển (G7) đã đạt thỏa thuận về thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu, được ấn định là : tối thiểu là 15%.

Triển khai các hành động của BEPS, ngày 9/7/2021, Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng trung ương của Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đã thống nhất về nguyên tắc Giải pháp Hai trụ cột nhằm giải quyết các thách thức về thuế phát sinh trong quá trình số hóa nền kinh tế.

Ngày 08/10/2021, OECD đưa ra tuyên bố Khung giải pháp Hai trụ cột để giải quyết các thách thức phát sinh từ nền kinh tế kỹ thuật số, trong đó Trụ cột thứ hai đặt ra mức thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu 15% đối với các công ty đa quốc gia nhằm ngăn chặn các công ty này chuyển lợi nhuận sang quốc gia có thuế suất thấp để tránh thuế.

Đối với giải pháp này, các Tập đoàn công ty đa quốc gia (Multinational Enterprise  - MNE) có mức:

- Doanh thu hợp nhất ít nhất 2 năm trong 4 năm liền kề trước năm xem xét đạt tối thiểu 750 triệu EUR căn cứ theo báo cáo tài chính của tập đoàn, thì tập đoàn đó thuộc đối tượng áp dụng Thuế tối thiểu toàn cầu;

- Và sẽ bị đánh thuế bổ sung phần chênh lệch nếu thuế suất thực tế thấp hơn mức tối thiểu 15%.

Đến ngày 16/12/2022, Diễn đàn hợp tác toàn cầu về BEPS (IF) đã công bố có 138 nước đồng thuận (không phản đối) đối với nội dung về Khung giải pháp Hai trụ cột để giải quyết các thách thức phát sinh từ nền kinh tế kỹ thuật số mà OECD đưa ra ngày 8/10/2021 nêu trên. Việt Nam là thành viên thứ 100 của BEPS và không có ý kiến bảo lưu về nội dung này, nên là một trong những nước đồng thuận. Đến nay, Khung giải pháp Hai trụ cột đã nhận được sự đồng thuận của 142/142 nước thành viên IF.

Về tình hình triển khai Trụ cột 2 (Thuế tối thiểu toàn cầu), đối với các nước có vốn đầu tư ra nước ngoài, về cơ bản sẽ áp dụng Thuế tối thiểu toàn cầu từ năm 2024 để thu thêm phần chênh lệch từ mức thuế thực tế so với Thuế tối thiểu toàn cầu (15%), trong đó có các nước có số vốn đầu tư lớn vào Việt Nam như Hàn Quốc, Nhật Bản, Hồng Kông, Singapore....

Đối với các nước nhận vốn đầu tư từ nước ngoài, tương tự như Việt Nam đang nghiên cứu để đưa ra chính sách ứng phó Thuế tối thiểu toàn cầu, trong đó có việc áp dụng quy định Thuế bổ sung tối thiểu nội địa đạt chuẩn (QDMTT – Qualified Domestic Minimum Top-up Tax) để tránh việc nộp thuế bổ sung đối với phần thu nhập của công ty thành viên có thuế suất thực tế thấp hơn mức tối thiểu về các nước có công ty mẹ đóng trụ sở chính, đồng thời cũng nghiên cứu một số giải pháp hỗ trợ về tài chính (ví dụ như Thái Lan) để giữ chân các nhà đầu tư/doanh nghiệp FDI thuộc đối tượng của Thuế tối thiểu toàn cầu và thu hút các nhà đầu tư mới.

Vì vậy, nếu Việt Nam không có giải pháp ứng phó kịp thời, Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng bởi Thuế tối thiểu toàn cầu.

 

2. Sự cần thiết áp dụng Thuế tối thiểu toàn cầu tại Việt Nam

Trước bối cảnh các quốc gia có vốn đầu tư lớn vào Việt Nam đã có kế hoạch áp dụng Thuế tối thiểu toàn cầu để giành quyền thu thuế và các quốc gia nhận vốn đầu tư tương tự như Việt Nam đã và đang nghiên cứu chính sách ứng phó, chính sách hỗ trợ nhà đầu tư trước tác động của Thuế tối thiểu toàn cầu, để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của mình, Việt Nam cần khẳng định áp dụng Thuế tối thiểu toàn cầu tại Việt Nam thông qua việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chóng xói mòn cơ sở thuế toàn cầu (Global Anti – Base Erosion hay còn gọi là Quy tắc GloBE).

Việc áp dụng các quy định về thuế tối thiểu toàn cầu mang lại cho Việt Nam những cơ hội mới, cụ thể:

i) Giảm thiểu tác động xấu của Thuế tối thiểu toàn cầu đến Việt Nam.

ii) Tăng cường hội nhập quốc tế:

Việc áp dụng Thuế tối thiểu toàn cầu sẽ góp phần tăng cường hội nhập quốc tế của Việt Nam, cải cách hệ thống thuế theo hướng phù hợp với thông lệ và chuẩn mực quốc tế thông qua việc sửa đổi chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp và pháp luật có liên quan.

iii) Giảm thiu hiện tượng làm giảm nghĩa vụ nộp thuế thông qua các hình thức: Chuyển giá, chuyển lợi nhuận và các hình thức khác.

Việc các nước ban hành các chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp để thu hút đầu tư nước ngoài khiến cho hiện tượng vận dụng chính sách thuế để làm giảm nghĩa vụ nộp thuế, chuyển giá, chuyển lợi nhuận diễn ra ngày càng phức tạp. Các doanh nghiệp đã lợi dụng các cơ hội để chuyển lợi nhuận từ nước có thuế suất cao sang nước có thuế suất thấp hơn, từ đó xảy ra tình trạng giảm nguồn thu thuế của quốc gia.

Trong bối cảnh đó, việc áp dụng Thuế tối thiểu toàn cầu sẽ tạo một mặt bằng chung về thuế tại tất cả các quốc gia, từ đó tránh việc cạnh tranh về thuế giữa các nước hiện nay và giảm thiểu tình trạng chuyển giá, chuyển lợi nhuận, giữ vững nguồn thu thuế.

iv) Động lực để Việt Nam tiếp tục phát triển môi trường đầu tư theo hướng bền vững, minh bạch, cạnh tranh hơn thông qua cải cách thủ tục hành chính, tiếp cận đất đai, nguồn lao động chất lượng cao.

Theo nguyên tắc áp dụng, Thuế tối thiểu toàn cầu không phải là điều ước quốc tế, không phải là cam kết quốc tế, không bắt buộc các quốc gia phải áp dụng. Tuy nhiên, nếu Việt Nam không áp dụng thì vẫn phải chấp nhận việc các quốc gia khác áp dụng Thuế tối thiểu toàn cầu, có quyền thu thuế bổ sung đối với các doanh nghiệp tại Việt Nam (nếu thuộc đối tượng áp dụng) mà được hưởng mức thuế suất thực tế tại Việt Nam thấp hơn mức tối thiểu toàn cầu 15%, đặc biệt là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Việt Nam là nước chủ yếu nhận vốn đầu tư từ nước ngoài nên sẽ bị ảnh hưởng bởi Thuế tối thiểu toàn cầu này.

Theo nguyên tắc áp dụng của Thuế tối thiểu toàn cầu mà OECD/G20 công bố thì các nước thành viên IF:

- Không bắt buộc phải áp dụng các quy định của Thuế tối thiểu toàn cầu, nhưng nếu lựa chọn áp dụng các quy định này thì các nước sẽ phải thực hiện nhất quán theo hướng dẫn của Thuế tối thiểu toàn cầu, phù hợp với quy định mẫu và hướng dẫn của IF;

- Trong trường hợp một nước không áp dụng thì vẫn phải chấp nhận các quy định Thuế tối thiểu toàn cầu được các thành viên IF khác áp dụng.

Qua những đánh giá nêu trên, vì lợi ích quốc gia, Việt Nam cần thiết ban hành Nghị quyết về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu. Hiện tại, Bộ Tài chính đã có tờ trình số 184/TTr-BTC ngày 21/8/2023 gửi Chính phủ về dự án Nghị quyết của Quốc hội về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu. Đồng thời Bộ Tài chính cũng có văn bản số 8915/BTC-TCT ngày 21/8/2023 gửi Bộ tư pháp về việc xin ý kiến thẩm định về dự án Nghị quyết của Quốc hội về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chóng xói mòn cơ sở thuế toàn cầu.

 

3. Xây dựng chính sách Thuế tối thiểu toàn cầu tại Việt Nam và dự kiến thời gian áp dụng từ năm 2024

Theo hướng dẫn của OECD về Thuế tối thiểu toàn cầu có các quy định đánh thuế, gồm:

(i)  Quy định tổng hợp thu nhập chịu thuế tối thiểu (IIR- Income Inclusion Rule);

(ii)  Quy định thuế bổ sung tối thiểu nội địa đạt chuẩn (QDMTT- Qualified Domestic Minimum Top-up Tax);

(iii) Quy định lợi nhuận chịu thuế dưới mức tối thiểu (UTPR – Undertaxed payment Rule);

(iv)  Quy định khấu trừ tại nguồn tối thiểu (STTR).

Đối chiếu với quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp tại Việt Nam, về bản chất Thuế tối thiểu toàn cầu là thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung đối với các trường hợp có mức thuế thực tế thấp hơn mức thuế tối thiểu do OECD đề xuất để áp dụng trên toàn cầu.

Để tập trung giành quyền đánh thuế, hạn chế việc chuyển số thuế sang các quốc gia khác, đồng thời để đảm bảo tính khả thi (do đây là chính sách mới, chưa có nước nào đã áp dụng) và tham khảo tình hình triển khai áp dụng Thuế tối thiểu toàn cầu của các nước trên thế giới, Việt Nam cần xây dựng chính sách Thuế tối thiểu toàn cầu để áp dụng từ năm 2024 bao gồm:

- Quy định tổng hợp thu nhập chịu thuế tối thiểu (IIR- Income Inclusion Rule);

- Thuế tối thiểu bổ sung nội địa đạt chuẩn (QDMTT- Qualified Domestic Minimum Top-up Tax).

Việt Nam ủng hộ và chủ động áp dụng quy định Thuế tối thiểu toàn cầu từ năm 2024, tạo cơ chế thuận lợi để khuyến khích các doanh nghiệp nộp bổ sung thuế tại Việt Nam.

Do Thuế tối thiểu toàn cầu chỉ áp dụng với một nhóm đối tượng, nên cần tiếp tục duy trì các chính sách ưu đãi thuế hợp lý đối với các doanh nghiệp không thuộc đối tượng áp dụng của Thuể tối thiểu toàn cầu.

 

 

Tài liệu nguồn tham khảo:

-  Tờ trình số 184/TTr-BTC ngày 21/8/2023 của Bộ tài chính gửi Chính phủ;

-  Văn bản số 8915/BTC-TCT ngày 21/8/2023 gửi Bộ tư pháp về việc xin ý kiến thẩm định về dự án Nghị quyết của Quốc hội về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chóng xói mòn cơ sở thuế toàn cầu

-   Nghị quyết số : …/2023/QH15 của Quốc hội ( Dự thảo lần 5 ngày 21/8/2023)

CÔNG TY TNHH KIỂM TOÁN VÀ TƯ VẤN TÀI CHÍNH TOÀN CẦU

Văn phòng chính : Tầng 19, Khu A, Toà nhà Indochina Park Tower

Văn phòng giao dịch:  Phòng12A03, Tầng 12, Khu A, Toà nhà Indochina Park Tower

Số 4 Nguyễn Đình Chiểu, Phường Đakao ,Q.1 ,TP.HCM

Hotline: 0918 70 85 72

Tel: (84-28) 62 998 263/64        Fax: (84-28) 62 998 267

Email: info@globalauditing.com

VIETIT