Ngày 11/9/2024, Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định 2127/QĐ-BTC để công bố thủ tục hành chính (TTHC) được sửa đổi, bổ sung trong lĩnh vực thuế thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tài chính, bao gồm các thủ tục liên quan đến gia hạn nộp thuế. Quyết định này căn cứ vào các quy định trong Nghị định 64/2024/NĐ-CP, Nghị định 65/2024/NĐ-CP, và Thông tư 80/2021/TT-BTC.
Dưới đây là các điểm sửa đổi quan trọng và quy trình thủ tục gia hạn nộp thuế.
1. Quy trình thủ tục gia hạn nộp thuế
Bước 1: Lập và gửi hồ sơ gia hạn nộp thuế
• Người nộp thuế thuộc diện được gia hạn nộp thuế lập hồ sơ và gửi hồ sơ đến cơ quan thuế quản lý trực tiếp người nộp thuế.
Bước 2: Tiếp nhận và xử lý hồ sơ
• Trường hợp hồ sơ được nộp trực tiếp tại cơ quan thuế, gửi qua đường bưu chính công chức thuế tiếp nhận và giải quyết hồ sơ và trả kết quả theo quy định. Đối với trường hợp gia hạn thời hạn nộp thuế theo quy định tại Nghị định số 64/2024/NĐ-CP và Nghị định số 65/2024/NĐ-CP thì cơ quan thuế không phải trả kết quả.
• Trường hợp hồ sơ được nộp thông qua giao dịch điện tử, việc tiếp nhận, kiểm tra, chấp nhận hồ sơ thuế do cơ quan thuế thực hiện thông qua hệ thống xử lý dữ liệu điện tử.
Theo nghị định số 64/2024/NĐ-CP: Trường hợp người nộp thuế có các khoản được gia hạn thuộc nhiều địa bàn cơ quan thuế quản lý khác nhau thì cơ quan thuế quản lý trực tiếp người nộp thuế có trách nhiệm truyền thông tin gửi Giấy đề nghị gia hạn cho cơ quan thuế quản lý có liên quan.
2. Thành phần hồ sơ gia hạn nộp thuế
Hồ sơ gia hạn nộp thuế bao gồm:
• Văn bản đề nghị gia hạn nộp thuế của người nộp thuế theo mẫu số 01/GHAN ban hành kèm theo phụ lục I Thông tư số 80/2021/TT-BTC ngày 29/09/2021 của Bộ Tài chính
• Tùy từng trường hợp, hồ sơ đề nghị gia hạn nộp thuế phải có thêm các tài liệu sau:
- Trường hợp gia hạn nộp thuế do các yếu tố khách quan như thiên tai, thảm họa, dịch bệnh, hỏa hoạn, tai nạn bất ngờ quy định tại điểm a khoản 27 Điều 3 Luật Quản lý thuế, phải có các tài liệu sau:
• Tài liệu chứng thực về thời gian, địa điểm xảy ra thiên tai, thảm họa, dịch bệnh, hỏa hoạn, tai nạn bất ngờ (bản chính hoặc bản sao có xác nhận của người nộp thuế);
• Văn bản xác định giá trị vật chất bị thiệt hại do người nộp thuế hoặc người đại diện hợp pháp của người nộp thuế lập và chịu trách nhiệm về tính chính xác của số liệu;
• Văn bản (bản chính hoặc bản sao có xác nhận của người nộp thuế) quy định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân phải bồi thường thiệt hại (nếu có);
• Các chứng từ (bản chính hoặc bản sao có xác nhận của người nộp thuế) liên quan đến việc bồi thường thiệt hại (nếu có).
- Trường hợp bất khả kháng khác theo quy định tại Khoản 1 Điều 3 Nghị định số 126/2020/NĐ-CP của Chính phủ, phải có:
• Văn bản xác định giá trị vật chất bị thiệt hại do người nộp thuế hoặc người đại diện hợp pháp của người nộp thuế lập và chịu trách nhiệm về tính chính xác của số liệu;
• Tài liệu chứng thực về thời gian, địa điểm xảy ra bất khả kháng của cơ quan có thẩm quyền; tài liệu chứng minh người nộp thuế phải ngừng, nghỉ sản xuất, kinh doanh đối với trường hợp do chiến tranh, bạo loạn, đình công mà người nộp thuế phải ngừng, nghỉ sản xuất, kinh doanh (bản chính hoặc bản sao có xác nhận của người nộp thuế);
• Tài liệu chứng minh việc gặp rủi ro không thuộc nguyên nhân, trách nhiệm chủ quan của người nộp thuế và người nộp thuế không có khả năng nguồn tài chính nộp ngân sách nhà nước đối với trường hợp bị thiệt hại do gặp rủi ro không thuộc nguyên nhân, trách nhiệm chủ quan của người nộp thuế (bản chính hoặc bản sao có xác nhận của người nộp thuế);
• Các chứng từ (bản chính hoặc bản sao có xác nhận của người nộp thuế) liên quan đến việc bồi thường thiệt hại của cơ quan bảo hiểm (nếu có).
- Trường hợp di dời cơ sở sản xuất, kinh doanh theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 62 Luật Quản lý thuế, phải có:
• Quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc di dời cơ sở sản xuất, kinh doanh đối với người nộp thuế (bản chính hoặc bản sao có xác nhận của người nộp thuế);
• Đề án hoặc phương án di dời, trong đó thể hiện rõ kế hoạch và tiến độ thực hiện di dời của người nộp thuế (bản chính hoặc bản sao có xác nhận của người nộp thuế).
- Trường hợp gia hạn theo quy định của Nghị định 64/2024/NĐ-CP
• Giấy đề nghị gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất theo Mẫu tại Phụ lục kèm theo Nghị định số 64/2024/NĐ-CP
- Trường hợp gia hạn theo quy định của Nghị định 65/2024/NĐ-CP
• Giấy đề nghị gia hạn thời gian nộp thuế tiêu thụ đặc biệt theo Mẫu tại Phụ lục kèm theo Nghị định số 65/2024/NĐ-CP.
3. Thời hạn giải quyết
• Trường hợp hồ sơ đề nghị gia hạn nộp thuế chưa đầy đủ theo quy định hoặc phát hiện có dấu hiệu sai phạm về giá trị vật chất bị thiệt hại trong hồ sơ do người nộp thuế tự xác định hoặc các sai sót khác, trong thời hạn 03 (ba) ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, cơ quan thuế phải thông báo bằng văn bản theo mẫu số 01/TB-BSTT-NNT ban hành kèm theo Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ đề nghị người nộp thuế giải trình hoặc bổ sung hồ sơ.
• Trường hợp hồ sơ đề nghị gia hạn nộp thuế đầy đủ, trong thời hạn 10 (mười) ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, cơ quan thuế phải ban hành Thông báo không chấp thuận gia hạn nộp thuế (mẫu số 03/GHAN ban hành kèm theo phụ lục I Thông tư số 80/2021/TT-BTC ngày 29/9/2021 của Bộ Tài chính) đối với trường hợp không thuộc đối tượng được gia hạn nộp thuế hoặc Quyết định gia hạn nộp thuế (mẫu số 02/GHAN ban hành kèm theo phụ lục I Thông tư số 80/2021/TT-BTC ngày 29/9/2021 của Bộ Tài chính) đối với trường hợp thuộc đối tượng được gia hạn nộp thuế.
Quyết định số 2127/QĐ-BTC ngày 11/9/2024 có hiệu lực kể từ ngày 11/09/2024