Quốc hội chính thức thông qua Nghị quyết số 198/2025/QH15 ngày 17 tháng 5 năm 2025 với nhiều chính sách nổi bật nhằm hỗ trợ phát triển kinh tế tư nhân – trụ cột quan trọng của nền kinh tế Việt Nam. Nghị quyết này không chỉ cải thiện môi trường kinh doanh mà còn tạo cú hích mạnh mẽ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo và các tập đoàn tư nhân.
________________________________________
✅ Những điểm nổi bật trong Nghị quyết 198/2025/QH15
1. Cải thiện môi trường kinh doanh
• Hạn chế thanh tra, kiểm tra bao gồm cả kiểm tra liên ngành không được quá 1 lần/năm.
• Thúc đẩy chuyển đổi số và hậu kiểm thay vì tiền kiểm.
• Bảo đảm công bằng trong tiếp cận đất đai, tài chính.
• Không được áp dụng hồi tố quy định pháp luật để xử lý bất lợi cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh
2. Hỗ trợ tài chính, thuế và tín dụng
• Doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh được Nhà nước hỗ trợ lãi suất 2%/năm khi vay vốn để thực hiện các dự án xanh, tuần hoàn và áp dụng khung tiêu chuẩn môi trường, xã hội, quản trị (ESG). Có thể hiểu là Hỗ trợ lãi suất 2%/năm cho các dự án ESG, công nghệ xanh.
• Miễn thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, thu nhập cá nhân (TNCN), thu nhập từ chuyển nhượng vốn đối với doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Cụ thể như sau:
+ Miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong thời hạn 02 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 04 năm tiếp theo đối với thu nhập từ hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, công ty quản lý quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo, tổ chức trung gian hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Việc xác định thời gian miễn, giảm thuế thực hiện theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp;
+ Miễn thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập doanh nghiệp đối với khoản thu nhập từ chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp, quyền góp vốn, quyền mua cổ phần, quyền mua phần vốn góp vào doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo;
+ Miễn thuế thu nhập cá nhân trong thời hạn 02 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 04 năm tiếp theo đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công của chuyên gia, nhà khoa học nhận được từ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, trung tâm nghiên cứu phát triển, trung tâm đổi mới sáng tạo, tổ chức trung gian hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
• Miễn thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong 03 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu.
• Chi phí đào tạo và đào tạo lại nhân lực của doanh nghiệp lớn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia chuỗi được tính vào chi phí được trừ để xác định thu nhập chịu thuế khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp;
• Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh không áp dụng phương pháp khoán thuế từ ngày 01 tháng 01 năm 2026. Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo pháp luật về quản lý thuế.
• Chấm dứt việc thu, nộp lệ phí môn bài từ ngày 01 tháng 01 năm 2026.
3. Hỗ trợ đất đai và cơ sở hạ tầng
• Doanh nghiệp công nghệ cao thuộc khu vực kinh tế tư nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo được hỗ trợ giảm tối thiểu 30% tiền thuê lại đất trong vòng 05 năm đầu kể từ ngày ký hợp đồng thuê đất với chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp, vườn ươm công nghệ. Khoản hỗ trợ tiền thuê đất này được Nhà nước hoàn trả cho chủ đầu tư theo quy định của Chính phủ. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định mức giảm tiền thuê lại đất quy định tại khoản này.
• Nhà nước ưu tiên hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo thuê nhà, đất là tài sản công chưa sử dụng hoặc không sử dụng tại địa phương
4. Thúc đẩy đổi mới sáng tạo
• Doanh nghiệp được trích tối đa 20% thu nhập tính thuế thu nhập doanh nghiệp để lập quỹ phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số của doanh nghiệp. Doanh nghiệp được sử dụng quỹ để tự triển khai hoặc đặt hàng bên ngoài nghiên cứu phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo theo cơ chế khoán sản phẩm. Việc sử dụng quỹ này thực hiện theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp.
• Doanh nghiệp được tính vào chi phí được trừ để xác định thu nhập chịu thuế đối với chi phí cho hoạt động nghiên cứu và phát triển của doanh nghiệp bằng 200% chi phí thực tế của hoạt động này khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của Chính phủ.
• Nhà nước bố trí kinh phí để cung cấp miễn phí các nền tảng số, phần mềm kế toán dùng chung cho doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, hộ kinh doanh và cá nhân kinh doanh theo quy định của Chính phủ.
5. Mua sắm công ưu tiên cho DNNVV
• Gói thầu xây lắp, mua sắm hàng hóa, gói thầu hỗn hợp cung cấp hàng hóa và xây lắp sử dụng ngân sách nhà nước có giá gói thầu không quá 20 tỷ đồng được dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong đó ưu tiên doanh nghiệp do thanh niên, phụ nữ, đồng bào dân tộc thiểu số, người khuyết tật làm chủ, doanh nghiệp ở miền núi, biên giới, hải đảo.
________________________________________
6. Đào tạo và phát triển doanh nghiệp
• Chương trình đào tạo 10.000 CEO doanh nghiệp vừa và nhỏ đến năm 2030.
• Hỗ trợ miễn phí một số dịch vụ tư vấn pháp lý, đào tạo về quản trị doanh nghiệp, kế toán, thuế, nhân sự cho doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh.
________________________________________
7. Hỗ trợ phát triển các tập đoàn tư nhân mạnh
• Ưu tiên giao thầu trực tiếp các dự án lớn.
• Chương trình phát triển 1.000 doanh nghiệp tiêu biểu, tiên phong trong khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và chuyển đổi xanh, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ
• Chương trình vươn ra thị trường quốc tế (Go Global) để hỗ trợ về thị trường, vốn, công nghệ, thương hiệu, kênh phân phối, logistics, bảo hiểm, tư vấn, pháp lý, mua bán sáp nhập, kết nối với các tập đoàn đa quốc gia, giải quyết tranh chấp kinh doanh, thương mại
________________________________________
8. Hiệu lực và tổ chức thực hiện
Nghị quyết 198 có hiệu lực ngay từ ngày được thông qua (17/5/2025) và là cơ sở pháp lý quan trọng để Chính phủ, các bộ ngành triển khai chính sách hỗ trợ khu vực tư nhân trong thời gian tới. Cụ thể :
• Giao Chính phủ chậm nhất 31/12/2025 phải xong việc rà soát, bỏ quy định kinh doanh không cần thiết, chồng chéo, gây cản trở.
• Giảm tối thiểu 30% :
+ Thời gian xử lý thủ tục hành chính
+ Chi phí tuân thủ pháp luật
+ Số lượng điều kiện kinh doanh
+ Tiếp tục cắt giảm mạnh hơn nữa trong các năm sau.
• Phân công rõ trách nhiệm cho bộ, nghành, địa phương triển khai.
________________________________________
✅ Doanh nghiệp cần làm gì?
Đây là thời điểm doanh nghiệp cần nhanh chóng nắm bắt và tận dụng các chính sách ưu đãi, đồng thời rà soát mô hình tổ chức, định hướng phát triển và phương án đầu tư để được hưởng lợi tối đa.
✅ Kết luận
Nghị quyết 198/2025/QH15 là bước ngoặt đột phá trong thể chế và hệ sinh thái phát triển kinh tế tư nhân. Việc triển khai đồng bộ sẽ giúp doanh nghiệp yên tâm đầu tư, khởi nghiệp, chuyển đổi, đồng hành cùng tăng trưởng quốc gia.