Hóa đơn điện tử là hóa đơn có mã hoặc không có mã của cơ quan thuế được thể hiện ở dạng dữ liệu điện tử do tổ chức, cá nhân bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ lập bằng phương tiện điện tử để ghi nhận thông tin bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ theo quy định của pháp luật. Trong thực tế, ngày lập và ngày ký trên hóa đơn điện tử đôi khi có sự khác nhau. Khi đó bên mua và bên bán kê khai theo thời điểm nào. Mời các bạn theo dõi bản tin sau:
1. Thời điểm ký số trên hóa đơn điện tử:
Theo quy định tại khoản 9 Điều 10 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020:
- Thời điểm ký số trên hóa đơn điện tử là thời điểm người bán, người mua sử dụng chữ ký số để ký trên hóa đơn điện tử được hiển thị theo định dạng ngày, tháng, năm của năm dương lịch. Trường hợp hóa đơn điện tử đã lập có thời điểm ký số trên hóa đơn khác thời điểm lập hóa đơn thì thời điểm khai thuế là thời điểm lập hóa đơn.
2. Về kê khai thuế giá trị gia tăng theo hóa đơn điện tử:
Tham khảo tại Công văn số 1586/TCT-CS năm 2023 ngày 04/05/2023 về khai thuế giá trị gia tăng theo hóa đơn điện tử của người bán có hướng dẫn:
Trường hợp hóa đơn điện tử bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ đã lập có thời điểm ký số trên hóa đơn khác thời điểm lập hóa đơn thì nếu thời điểm ký số trên hóa đơn phát sinh cùng thời điểm hoặc sau thời điểm lập hóa đơn thì hóa đơn điện tử đã lập vẫn được xác định là hóa đơn hợp lệ:
- Người bán thực hiện kê khai nộp thuế GTGT theo thời điểm lập hóa đơn;
- Người mua thực hiện kê khai thuế tại thời điểm nhận hóa đơn đảm bảo đúng, đầy đủ về hình thức và nội dung theo quy định tại Điều 10 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP của Chính phủ.