Căn cứ pháp lý:
- Tại điểm 1.1 mục VIII Thông tư số 161/2007/TT-BTC ngày 31/12/2007 của Bộ Tài Chính quy định:
“1.1. Kế toán doanh thu:
Doanh thu phát sinh từ giao dịch, sự kiện được xác định bởi thỏa thuận giữa doanh nghiệp với bên mua hoặc bên sử dụng tài sản. Nó được xác định bằng giá trị hợp lý của các khoản đã thu được hoặc sẽ thu được sau khi trừ (-) các khoản chiết khấu thương mại, giảm giá hàng bán và giá trị hàng bán bị trả lại.”
- Tại chuẩn mực kế toán số 14 Bộ Tài chính quy định:
“Chiết khấu thương mại: là khoản doanh nghiệp bán giảm giá niêm yết cho khách hàng mua hàng với khối lượng lớn;
Chiết khấu thanh toán là khoản người bán giảm trừ cho người mua do người mua thanh toán tiền mua hàng trước thời hạn hợp đồng.
Giảm giá hàng bán: là khoản giảm trừ cho người mua do hàng hóa kém phẩm chất, sai quy cách hoặc lạc hậu thị hiếu.”
- Tại điểm 5.5 mục IV phần B Thông tư số 120/2003/TT-BTC ngày 12/12/2003, điểm 5.5 mục IV phần B Thông tư số 32/2007/TT-BTC ngày 09/04/2007 của Bộ Tài chính quy định:
“5.5- Hàng hóa, dịch vụ có giảm giá ghi trên hóa đơn thì trên hóa đơn phải ghi rõ: tỷ lệ % hoặc mức giảm giá, giá bán chưa có thuế GTGT (giá bán đã giảm giá), thuế GTGT, tổng giá thanh toán đã có thuế GTGT.
Nếu việc giảm giá áp dụng căn cứ vào số lượng, doanh số hàng hóa, dịch vụ thực tế mua đạt mức nhất định thì số tiền giảm giá của hàng hóa đã bán được tính điều chỉnh trên hóa đơn bán hàng hóa, dịch vụ của lần mua cuối cùng hoặc kỳ tiếp sau. Trên hóa đơn phải ghi rõ số hóa đơn và số tiền được giảm giá. Đối với trường hợp khách hàng không tiếp tục mua hàng hóa thì cơ sở kinh doanh lập phiếu chi tiền cho khách hàng theo đúng quy định”.
- Tại điểm 1.1, Mục I, Phần B Thông tư số 129/2008/TT-BTC ngày 26/12/2008 quy định về giá trị tính thuế đối với hàng hóa dịch vụ như sau:
1.1. Đối với hàng hóa, dịch vụ do cơ sở sản xuất, kinh doanh bán ra là giá bán chưa có thuế GTGT. Đối với hàng hóa, dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt là giá bán đã có thuế tiêu thụ đặc biệt nhưng chưa có thuế GTGT.
Giá tính thuế đối với các loại hàng hóa, dịch vụ bao gồm cả khoản phụ thu và phí thu thêm ngoài giá hàng hóa, dịch vụ mà cơ sở kinh doanh được hưởng, trừ các khoản phụ thu và phí cơ sở kinh doanh phải nộp NSNN. Trường hợp cơ sở kinh doanh áp dụng hình thức giảm giá bán, chiết khấu thương mại dành cho khách hàng (nếu có) thì giá tính thuế GTGT là giá bán đã giảm, đã chiết khấu thương mại dành cho khách hàng.
- Tại điểm 2.5 mục IV phần B Thông tư số 129/2008/TT-BTC ngày 26/12/2008 của Bộ Tài chính :Nếu việc giảm giá áp dụng căn cứ vào số lượng, doanh số hàng hóa, dịch vụ thực tế mua đạt mức nhất định thì số tiền giảm giá của hàng hóa đã bán được tính điều chỉnh trên hóa đơn bán hàng hóa, dịch vụ của lần mua cuối cùng hoặc kỳ tiếp sau. Trên hóa đơn phải ghi rõ số hóa đơn được giảm giá và số tiền được giảm giá”.
Vì vậy:
- Đối với các khoản chiết khấu thương mại (chiết khấu, giảm giá dựa trên doanh số bán hàng đạt mức nhất định), Công ty đã thực hiện giảm trừ trực tiếp trên hóa đơn GTGT thì Công ty được giảm trừ doanh thu khi tính thuế GTGT Công ty phải có đầy đủ hóa đơn, chứng từ chứng minh việc giảm doanh thu và không thu được tiền thực tế đối với các khoản giảm giá này.
- Đối với các khoản chiết khấu thanh toán (bao gồm cả chiết khấu thanh toán ngay và chiết khấu thanh toán nhanh), không được giảm trừ doanh thu khi tính thuế GTGT.
- Theo quy định tại điểm 2.21 Mục III Phần B Thông tư số 134/2007/TT-BTC ngày 23/11/2007 của Bộ Tài chính và điểm 2.19 Mục IV Phần C Thông tư số 130/2008/TT-BTC ngày 26/12/2008 của Bộ Tài chính quy định tại khoản chi không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN, các khoản chiết khấu thương mại (chiết khấu, giảm giá dựa trên doanh số bán hàng) đã được giảm trừ doanh thu tính thuế GTGT và thuế TNDN, do đó các khoản chi này không được ghi nhận vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN. Đối với các khoản chi hỗ trợ chi phí, chi chiết khấu thanh toán nếu có đầy đủ hóa đơn, chứng từ hợp pháp thì được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN và áp dụng tỷ lệ khống chế theo quy định.