Chính thức có hiệu lực từ ngày 27/03/2025 và áp dụng từ kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2024.
Ngày 10/02/2025, Chính phủ đã ban hành Nghị định 20/2025/NĐ-CP, sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 132/2020/NĐ-CP về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết.
Bản tin này sẽ điểm qua những nội dung sửa đổi quan trọng nhất, trong đó nổi bật là:
* Điều 1 - Điều chỉnh tiêu chí xác định bên liên kết và Bổ sung trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước và quy định về quản lý rủi ro thuế trong giao dịch liên kết.
* Điều 2 - Thay thế Phụ lục I - Thông tin về quan hệ liên kết và giao dịch liên kết
* Điều 3 - Quy định mới về phân bổ chi phí lãi vay chưa được trừ.
1. Điều chỉnh tiêu chí xác định bên liên kết và Bổ sung trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước và quy định về quản lý rủi ro thuế trong giao dịch liên kết (Điều 1)
Sửa đổi quy định về tổ chức tín dụng không bị coi là bên liên kết
Trước đây, theo Nghị định 132/2020/NĐ-CP, một tổ chức tín dụng cấp khoản vay cho doanh nghiệp thường bị coi là bên liên kết nếu khoản vay đó thuộc một trong các tiêu chí xác định giao dịch liên kết, dẫn đến việc hạn chế mức trần chi phí lãi vay được trừ (30% EBITDA).
Hướng dẫn về cách tính EBidta, mời quý độc giả có thể tìm hiểu tại link sau đây:
>>> https://www.youtube.com/Hướng dẫn về cách tính EBidta
Nghị định 20/2025/NĐ-CP đã điều chỉnh lại quy định này, loại bỏ một số tổ chức tín dụng khỏi danh sách bên liên kết nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau:
* Bên bảo lãnh hoặc cho vay là các tổ chức kinh tế hoạt động theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng không tham gia trực tiếp, gián tiếp điều hành, kiểm soát, góp vốn, đầu tư vào doanh nghiệp đi vay hoặc doanh nghiệp được bảo lãnh theo quy định.
* Bên bảo lãnh hoặc cho vay là các tổ chức kinh tế hoạt động theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp đi vay hoặc được bảo lãnh không trực tiếp, gián tiếp cùng chịu sự điều hành, kiểm soát, góp vốn, đầu tư của một bên khác theo quy định.
Ý nghĩa của thay đổi này:
* Doanh nghiệp vay vốn từ tổ chức tín dụng không bị hạn chế chi phí lãi vay trong mức trần 30% EBITDA nếu tổ chức tín dụng không phải là bên liên kết theo điều kiện trên.
* Giảm rủi ro bị ấn định thuế khi doanh nghiệp có giao dịch với ngân hàng, tổ chức tài chính hợp pháp.
Bổ sung điều kiện xác định bên liên kết đối với các loại giao dịch khác
Nghị định 20/2025/NĐ-CP cũng làm rõ hơn về các tiêu chí xác định bên liên kết trong những trường hợp sau:
* Các trường hợp khác trong đó doanh nghiệp (bao gồm cả chi nhánh hạch toán độc lập thực hiện kê khai, nộp thuế thu nhập doanh nghiệp) chịu sự điều hành, kiểm soát, quyết định trên thực tế đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp kia;
* Tổ chức tín dụng với Công ty con hoặc với Công ty kiểm soát hoặc với Công ty liên kết của tổ chức tín dụng theo quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng và các văn bản sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế (nếu có).
Điểm mới:
* Quy định rõ hơn về đối tượng và giao dịch có thể làm phát sinh quan hệ liên kết.
* Hạn chế các trường hợp doanh nghiệp bị áp dụng quy định chuyển giá nếu giao dịch thực sự mang tính độc lập.
Bổ sung trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước và tăng cường quản lý rủi ro thuế
Trách nhiệm mới của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
Ngân hàng Nhà nước có trách nhiệm phối hợp với cơ quan thuế để cung cấp thông tin về giao dịch tài chính liên quan đến giao dịch liên kết. Cụ thể:
- Dữ liệu về kim ngạch khoản vay, lãi suất, kỳ trả lãi, trả gốc, thực tế rút vốn, trả nợ (gốc, lãi) và các thông tin liên quan khác (nếu có)
- Phối hợp cung cấp thông tin được báo cáo theo quy định pháp luật về người có liên quan của thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng thành viên, thành viên Ban kiểm soát, Tổng giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng giám đốc (Phó giám đốc) và chức danh tương đương theo quy định tại Điều lệ của tổ chức tín dụng; người có liên quan của cổ đông sở hữu từ 01% vốn điều lệ trở lên của tổ chức tín dụng; Công ty liên kết của tổ chức tín dụng theo hệ thống thông tin dữ liệu quản lý của Ngân hàng Nhà nước khi cơ quan thuế đề nghị.”
Ý nghĩa của việc bổ sung này: Cơ quan thuế có thêm công cụ để kiểm soát hoạt động vay vốn giữa các bên liên kết.
2. Thay đổi Phụ lục I - Thông tin về quan hệ liên kết và giao dịch liên kết (Điều 2)
* Thay thế Phụ lục I Nghị định 132/2020/NĐ-CP bằng Phụ lục I theo Nghị định 20/2025/NĐ-CP.
3. Quy định về điều khoản chuyển tiếp (Điều 3)
Trường hợp, tại kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2020, năm 2021, năm 2022 và năm 2023, doanh nghiệp đi vay chỉ có quan hệ liên kết với tổ chức kinh tế hoạt động theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng quy định tại điểm d khoản 2 Điều 5 Nghị định số 132/2020/NĐ-CP và doanh nghiệp đi vay với bên cho vay hoặc bảo lãnh thuộc trường hợp quy định tại điểm d.1 và điểm d.2 khoản 2 Điều 5 Nghị định số 132/2020/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại Điều 1 Nghị định này, có giao dịch liên kết thuộc phạm vi điều chỉnh tại khoản 2 Điều 1 Nghị định số 132/2020/NĐ-CP và có chi phí lãi vay không được trừ theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 16 Nghị định số 132/2020/NĐ-CP thì kể từ kỳ tính thuế năm 2024 thực hiện như sau:
* Trường hợp doanh nghiệp không có quan hệ liên kết và không phát sinh giao dịch liên kết theo quy định tại Nghị định số 132/2020/NĐ-CP và Nghị định này thì phần chi phí lãi vay không được trừ và chưa được chuyển sang các kỳ tính thuế tiếp theo tính đến cuối kỳ tính thuế năm 2023 được phân bổ đều chuyển sang các kỳ tính thuế tiếp theo cho thời gian còn lại theo quy định về thời gian được chuyển chi phí lãi vay tại điểm b khoản 3 Điều 16 Nghị định số 132/2020/NĐ-CP.
* Trường hợp doanh nghiệp có quan hệ liên kết và giao dịch liên kết theo quy định tại Nghị định số 132/2020/NĐ-CP và Nghị định này thì chi phí lãi vay không được trừ và chưa được chuyển sang các kỳ tính thuế tiếp theo thực hiện theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 16 Nghị định số 132/2020/NĐ-CP.
Như vậy điểm khác biệt chính của nội dung này cụ thể như sau:
- Trường hợp 1 (Không có giao dịch liên kết): Phải phân bổ đều phần lãi vay chưa sử dụng trong thời hạn còn lại.
- Trường hợp 2 (Có giao dịch liên kết): Không phân bổ đều, mà tiếp tục được chuyển theo quy định và chỉ sử dụng khi EBITDA đủ lớn để hấp thụ/ cấn trừ.
Như vậy có thể kết luận về điều khoản chuyển tiếp như sau:
* Điều khoản chuyển tiếp chỉ áp dụng cho doanh nghiệp có lãi vay từ Ngân hàng mà không có giao dịch nào với bên liên kết khác.
* Nếu doanh nghiệp có lãi vay từ Ngân hàng nhưng vẫn có giao dịch với bên liên kết khác (công ty mẹ, công ty con, tập đoàn), thì không được áp dụng điều khoản chuyển tiếp.
* Nếu doanh nghiệp có cả lãi vay từ Ngân hàng và từ bên liên kết khác, thì cũng không được áp dụng điều khoản chuyển tiếp.
* Doanh nghiệp cần rà soát kỹ tình trạng giao dịch liên kết để xác định đúng phần lãi vay có thể áp dụng điều khoản chuyển tiếp nhằm tối ưu hóa thuế.
>>> Đây là điểm rất quan trọng để doanh nghiệp có thể áp dụng quy định mới của Nghị định 20/2025/NĐ-CP.
Nguyễn Duy Vũ
Partner -CPA – MA - LL.B
Chuyên gia Luật Thuế