I. THUẾ TNDN:
Chính sách thuế đối với khoản kinh phí được tài trợ
Ngày 17/09/2024, Tổng Cục thuế ban hành Công văn số 4102/TCT-CS hướng dẫn về thuế đối với khoản kinh phí được tài trợ như sau:
Tại luật thuế TNDN hiện hành chỉ quy định thu nhập được miễn thuế là khoản tài trợ nhận được để sử dụng cho hoạt động giáo dục, nghiên cứu khoa học, văn hóa, nghệ thuật, từ thiện, nhân đạo và hoạt động xã hội khác tại Việt Nam. Do đó, khoản tài trợ mà Công ty nhận được từ USAID (dưới hình thức là các chứng nhận tiêu chuẩn cho sản phẩm và nhà máy của Công ty) không để sử dụng cho các mục đích nêu trên nên không thuộc trường hợp được miễn thuế. Khoản tài trợ này thuộc thu nhập khác theo quy định tại khoản 15 Điều 7 Thông tư số 78/2014/TT-BTC ngày 18/6/2014, có tính chất là tài sản cố định vô hình và Công ty có nghĩa vụ kê khai, hạch toán, nộp thuế TNDN đối với khoản tài trợ này theo quy định.
Ưu đãi thuế TNDN đối với sản xuất phần mềm
Ngày 17/09/2024, Tổng Cục thuế ban hành Công văn số 4106/TCT-CS hướng dẫn về chính sách thuế đối với sản phẩm phần mềm, có ý kiến như sau:
1. Luật thuế TNDN và các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Luật thuế TNDN quy định ưu đãi về thuế TNDN đối với dự án đầu tư mới trong lĩnh vực sản xuất sản phẩm phần mềm.
2. Văn bản quy phạm pháp luật về sản phẩm phần mềm qua các giai đoạn:
– Phụ lục danh mục sản phẩm phần mềm ban hành kèm theo Thông tư số 09/2013/TT-BTTTT ngày 08/04/2013 của Bộ Thông tin và Truyền thông;
– Thông tư số 16/2014/TT-BTTTT ngày 18/11/2014 của Bộ Thông tin và Truyền thông quy định việc xác định hoạt động sản xuất phần mềm; hoặc Thông tư số 13/2020/TT-BTTTT ngày 03/07/2020 của Bộ Thông tin và Truyền thông quy định việc xác định hoạt động sản xuất sản phẩm phần mềm đáp ứng quy trình.
Căn cứ các quy định nêu trên, dự án đầu tư mới của doanh nghiệp đáp ứng điều kiện trong lĩnh vực sản xuất sản phẩm phần mềm để được hưởng ưu đãi về thuế TNDN thì sản phẩm phần mềm thuộc dự án đầu tư mới của doanh nghiệp phải đáp ứng quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật về sản phẩm phần mềm nêu trên.
Chính sách thuế đối với hàng hóa khuyến mãi
Ngày 26/09/2024, Cục thuế tỉnh Bình Dương ban hành Công văn số 25952/CTBDU-TTHT hướng dẫn về chính sách thuế đối với hàng hóa khuyến mãi như sau:
Trường hợp Công ty thực hiện chương trình khuyến mại tặng hàng hóa cho khách hàng không thu tiền có kèm theo việc mua bán hàng hóa, Công ty đã thực hiện chương trình khuyến mại theo đúng quy định của pháp luật thương mại. Công ty xuất hàng khuyến mại cho nhà phân phối là các hộ kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán, nhà phân phối có trách nhiệm xuất hàng khuyến mại cho người tiêu dùng theo chương trình khuyến mãi của Công ty thì:
– Đối với hàng khuyến mại hộ kinh doanh xuất cho người tiêu dùng, Công ty không phải khai thay và nộp thuế thay cho hộ kinh doanh.
– Đối với hàng khuyến mại hộ kinh doanh được hưởng thì Công ty có trách nhiệm khai thuế và nộp thuế thay cho cá nhân theo quy định tại Thông tư số 40/2021/TT-BTC và theo hướng dẫn tại công văn số 12807/CTBDU-TTHT ngày 30/08/2021 của Cục Thuế tỉnh Bình Dương.
II. THUẾ GTGT
Chính sách thuế đối với khoản lãi tiền gửi ngân hàng
Ngày 08/10/2024, Cục thuế tỉnh Bắc Giang ban hành Công văn số 7097/CTBGI-TTHT hướng dẫn về chính sách thuế đối với khoản lãi tiền gửi ngân hàng như sau:
Trường hợp Công ty có khoản tiền nhàn rỗi được gửi tại Ngân hàng thương mại có kỳ hạn từ 1 đến 3 tháng và phát sinh khoản lãi tiền gửi. Đối với khoản lãi tiền gửi này được xác định là một khoản thu tài chính thuộc trường hợp không phải kê khai, tính nộp thuế giá trị gia tăng theo quy định tại Điều 5 Thông tư số 219/2013/TT-BTC. Số thuế GTGT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ sử dụng cho các hoạt động cung cấp hàng hóa, dịch vụ không kê khai, tính nộp thuế GTGT hướng dẫn tại Điều 5 Thông tư số 219/2013/TT-BTC (trừ khoản 2, khoản 3 Điều 5) được khấu trừ toàn bộ. Khi nhận khoản lãi tiền gửi từ Ngân hàng, Công ty không phải lập hóa đơn đối với khoản thu lãi tiền gửi này.
III. CHÍNH SÁCH THUẾ
Chính sách về hoàn thuế nhập khẩu
Ngày 08/10/2024, Tổng Cục Hải quan ban hành Công văn số 4855/TCHQ-TXNK hướng dẫn về chính sách hoàn thuế nhập khẩu như sau:
Khi làm thủ tục xuất khẩu sản phẩm được sản xuất từ hàng hóa nhập khẩu để sản xuất, kinh doanh, người nộp thuế phải kê khai trên tờ khai xuất khẩu về việc sản phẩm xuất khẩu được sản xuất từ hàng hóa nhập khẩu trước đây. Khi làm thủ tục hoàn thuế, người nộp thuế phải kê khai chi tiết sản phẩm xuất khẩu được sản xuất từ hàng hóa nhập khẩu thuộc các tờ khai nhập khẩu nào, lượng nguyên liệu vật tư đã sử dụng, định mức sử dụng thực tế… tại Mẫu số 10 Phụ lục VII ban hành kèm theo Nghị định số 18/2021/NĐ-CP và nộp các chứng từ có liên quan theo quy định làm cơ sở để cơ quan hải quan xem xét xử lý hoàn thuế nhập khẩu.
Như vậy, việc khai báo thông tin về hàng hóa nhập khẩu trên tờ khai xuất khẩu đã được quy định tại Nghị định số 134/2016/NĐ-CP ngày 01/9/2016 của Chính phủ.
Hướng dẫn của Tổng cục Hải quan tại công văn số 5644/TCHQ-TXNK ngày 23/12/2022 nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và cơ quan hải quan khi khai báo thông tin tờ khai nhập khẩu trên tờ khai xuất khẩu trong điều kiện trường ký tự khai báo thông tin trên tờ khai xuất khẩu còn hạn chế.
Chính sách ưu đãi thuế cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng do thiên tai
Ngày 13/09/2024, Tổng Cục thuế ban hành Công văn số 4062/TCT-CS hướng dẫn các giải pháp hỗ trợ tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp bị tổn thất do Bão số 3 và mưa lũ sau bão và Phòng Tuyên truyền Cục Thuế Bình Định tổng hợp như sau:
Về gia hạn nộp thuế
– Tại Điều 62, Luật Quản lý thuế 38/2019 quy định gia hạn nộp thuế khi bị thiên tai, thời gian không quá 02 năm kể từ ngày hết thời hạn nộp thuế.
– Thủ tục hồ sơ thực hiện theo Điều 24 Thông tư 80/2021.
Về miễn tiền chậm nộp
– Tại khoản 8, Điều 59 Luật quản lý thuế 38/2019 quy định miễn tiền chậm nộp khi bị thiên tai.
– Thủ tục hồ sơ thực hiện theo Điều 23 Thông tư 80/2021.
Miễn xử phạt vi phạm hành chính về thuế
– Tại Điều 140, Luật quản lý thuế 38/2019 quy định về miễn xử phạt vi phạm hành chính về thuế khi bị thiệt hại do thiên tai, tối đa không quá giá trị tài sản, hàng hóa bị thiệt hại.
– Thủ tục hồ sơ thực hiện theo khoản 6, Điều 1, Nghị định 102/2021.
Về khấu trừ thuế GTGT
– Tại khoản 1, Điều 14, Thông tư 219/2013 quy định Thuế GTGT đầu vào của HHDV dùng cho SXKD chịu thuế GTGT được khấu trừ toàn bộ, kể cả thuế GTGT đầu vào ko được bồi thường của hàng chịu thuế GTGT bị tốn thất do thiên tai.
Về Thuế thu nhập doanh nghiệp
– Tại Điều 4, Thông tư 96/2015 quy định DN được tính vào chỉ phí được trừ:
– Giá trị tổn thất do thiên tai không được bồi thường.
– Khoản tài trợ cho khắc phục hậu quả thiên tai.
– Khoản chỉ hỗ trợ gia đình người lao động bị ảnh hưởng do thiên tai.
– Thủ tục hồ sơ thực hiện theo Điều 4, Thông tư 96/2015.
Về Thuế tiêu thụ đặc biệt
– Tại Điều 9 Luật Thuế TTĐB 27/2008 quy định được giảm thuế TTĐB không quá 30% số thuế phải nộp của năm xảy ra thiệt hại do thiên tai và ko vượt quá giá trị tài sản bị thiệt hại sau khi được bồi thường (nếu có).
– Hồ sơ quy định tại Điều 55 Thông tư 80/2021.
Về Thuế tài nguyên
– Tại khoản 1, Điều 9, Luật Thuế tài nguyên 45/2009 quy định được miễn, giảm thuế cho số tài nguyên bị tồn thất do thiên tai.
– Thủ tục thực hiện theo Điều 56, Thông tư 80/2021.
Về Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp
– Tại khoản 9, Điều 9 và khoản 4, Điều 10 Luật Thuế SDĐPNN 48/2010 quy định bị thiên tai thì được miễn thuế nếu giá trị thiệt hại về đất và nhà trên 50% giá tính thuế; được giảm 50% số thuế phải nộp nếu thiệt hại về đất và nhà từ 20% đến 50% giá tính thuế.
– Về thủ tục thực hiện theo Điều 57 Thông tư 80/2021.