I. THUẾ TNDN
Công văn số 2921/TCT-CS ngày 03/08/2021 về hạch toán chi phí được trừ đối với chi phí mua và tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 của doanh nghiệp
Tại điểm 2.31 khoản 2 Điều 6 Thông tư số 78/2014/TT-BTC (được sửa đổi bổ sung theo quy định tại Điều 4 Thông tư số 96/2015/TT-BTC, khoản 4 Điều 3 Thông tư số 25/2018/TT-BTC) quy định như sau:
“2.31. Các khoản chi không tương ứng với doanh thu tính thuế, trừ các khoản chi sau:...
- Khoản chi có tính chất phúc lợi chi trực tiếp cho người lao động như: chi đám hiếu, hỷ của bản thân và gia đình người lao động; chi nghỉ mát, chi hỗ trợ điều trị; chi hỗ trợ bổ sung kiến thức học tập tại cơ sở đào tạo; chi hỗ trợ gia đình người lao động bị ảnh hưởng bởi thiên tai, địch họa, tai nạn, ốm đau; chi khen thưởng con của người lao động có thành tích tốt trong học tập; chi hỗ trợ chi phí đi lại ngày lễ, tết cho người lao động; chi bảo hiểm tai nạn, bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm tự nguyện khác cho người lao động (trừ khoản chi mua bảo hiểm nhân thọ cho người lao động hướng dẫn tại điểm 2.6, bảo hiểm hưu trí tự nguyện cho người lao động hướng dẫn tại điểm 2.11 Điều này) và những khoản chi có tính chất phúc lợi khác. Tổng số chi có tính chất phúc lợi nêu trên không quá 01 tháng lương bình quân thực tế thực hiện trong năm tính thuế của doanh nghiệp.
Việc xác định 01 tháng lương bình quân thực tế thực hiện trong năm tính thuế của doanh nghiệp được xác định bằng quỹ tiền lương thực hiện trong năm chia (:) 12 tháng. Trường hợp doanh nghiệp hoạt động không đủ 12 tháng thì: Việc xác định 01 tháng lương bình quân thực tế thực hiện trong năm tính thuế được xác định bằng quỹ tiền lương thực hiện trong năm chia (:) số tháng thực tế hoạt động trong năm.
Quỹ tiền lương thực hiện là tổng số tiền lương thực tế đã chi trả của năm quyết toán đó đến thời hạn cuối cùng nộp hồ sơ quyết toán theo quy định (không bao gồm số tiền trích lập quỹ dự phòng tiền lương của năm trước chi trong năm quyết toán thuế).”
Căn cứ quy định nêu trên, đối với khoản chi mua và tiêm vắc xin ngừa Covid-19cho người lao động trong doanh nghiệp, nếu đáp ứng các điều kiện các khoản chi được trừ và không thuộc các khoản chi không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp thì doanh nghiệp được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp.
Công văn số 27052/CTHN-TTHT ngày 13/07/2021 về chính sách ưu đãi thuế TNDN
- Trường hợp doanh nghiệp có dự án đầu tư sản xuất sản phẩm thuộc Danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển thực hiện trước ngày 01/01/2015 đáp ứng các điều kiện của dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ theo quy định tại Luật số 71/2014/QH13, dự án được cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy xác nhận ưu đãi sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ năm 2018 và đang được hưởng ưu đãi thuế TNDN theo điều kiện ưu đãi khác (ngoài điều kiện ưu đãi đối với dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ) thì được hưởng ưu đãi thuế TNDN theo điều kiện dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho thời gian còn lại kể từ kỳ tính thuế TNDN năm 2018 theo quy định tại Nghị định số 57/2021/NĐ-CP ngày 04/06/2021 của Chính phủ nêu trên.
- Các ưu đãi về thuế TNDN chỉ áp dụng đối với doanh nghiệp thực hiện chế độ kế toán, hóa đơn, chứng từ và nộp thuế thu nhập doanh nghiệp theo kê khai.
- Đề nghị Công ty căn cứ tình hình thực tế tại đơn vị và đối chiếu với các quy định tại văn bản pháp luật nêu trên để thực hiện đúng quy định.
Công văn số 2953/TCT-TTKT ngày 6/8/2021 về việc xác định chi phí lãi vay trong doanh nghiệp có giao dịch liên kết
- Trường hợp Công ty A chỉ phát sinh giao dịch liên kết với đối tượng nộp thuế thu nhập doanh nghiệp tại Việt Nam, áp dụng cùng mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp với Công ty A và không bên nào hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp trong kỳ thì Công ty A được miễn kê khai xác định giá giao dịch liên kết tại mục III, mục IV, nhưng phải kê khai căn cứ miễn trừ tại mục I, mục II tại mẫu số 01 Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định số 20/2017/NĐ-CP ngày 24/2/2017 và Nghị định số 68/2020/NĐ-CP ngày 24/6/2020 của Chính phủ.
- Công ty A là đối tượng nộp thuế thu nhập doanh nghiệp theo phương pháp kê khai và có phát sinh giao dịch liên kết với Công ty B trong các kỳ tính thuế từ năm 2017, đến năm 2019 thì Công ty A thuộc đối tượng áp dụng Nghị định số 20/2017/NĐ-CP ngày 24/02/2017 và Nghị định số 68/2020/NĐ-CP ngày 24/6/2020 của Chính phủ. Theo đó, trường hợp trong năm 2017, 2018, 2019 Công ty A có phát sinh chi phí lãi vay thì chi phí lãi của Công ty A được xác định theo quy định của Nghị định số 20/2017/NĐ-CP; Nghị định số 68/2020/NĐ-CP và quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp có liên quan.
II. THUẾ GTGT
Công văn số 2876/TCT-DNL ngày 29/7/2021 về thuế GTGT đối với doanh thu thu phí từ hoạt động của sàn giao dịch mua bán nợ
Căn cứ Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Luật thuế giá trị gia tăng :
+ Tại Điều 2 quy định:
"Điều 2. Đối tượng chịu thuế
Đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng (GTGT) là hàng hóa, dịch vụ dùng cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng ở Việt Nam (bao gồm cả hàng hóa, dịch vụ mua của tổ chức, cá nhân ở nước ngoài), trừ các đối tượng không chịu thuế GTGT hướng dẫn tại Điều 4 Thông tư này."
+ Tại điểm đ, h khoản 8 Điều 4 quy định.
"Điều 4. Đối tượng không chịu thuế GTGT
…
8. Các dịch vụ tài chính, ngân hàng, kinh doanh chứng khoán sau đây:
đ) Bán nợ;
…
h) Bán tài sản bảo đảm của khoản nợ của tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100%
vốn điều lệ do Chính phủ thành lập để xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng Việt
Nam."
+ Tại Điều 11 quy định:
"Điều 11. Thuế suất 10%
Thuế suất 10% áp dụng đối với hàng hóa, dịch vụ không được quy định tại
Điều 4, Điều 9 và Điều 1 0 Thông tư này."
- Căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 3 Thông tư số 09/2015/TT-NHNN ngày 17/7/2015 của Ngân hàng Nhà nước quy định về hoạt động mua, bán nợ của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài :
" 1 . Mua, bán nợ là thỏa thuận bảng văn bản về việc chuyển giao quyền đòi nợ đối với khoản nợ phát sinh từ nghiệp vụ cho vay, khoản trả thay trong nghiệp vụ bảo lãnh, theo đó bên bán nợ chuyển giao quyền sở hữu khoản nợ cho bên mua nợ và nhận tiền thanh toán từ bên mua nợ."
- Tại Công văn số 2973/NHNN-TTGSNH ngày 28/4/2021 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về việc thành lập Sàn giao dịch nợ của VAMC, NHNN chấp thuận về chủ trương thành lập Sàn giao dịch nợ VAMC theo mô hình chi nhánh.
- Tại Quyết định số 10/QĐ-HĐTV ngày 13/5/2021 của Hội đồng thành viên Công ty quản lý tài sản về việc thành lập Chi nhánh Sàn giao dịch nợ trực thuộc Công ty TNHH MTV Quản lý tài sản của các Tổ chức tín dụng Việt Nam quy định ngành nghề kinh doanh của Sàn giao dịch nợ VAMC: Tư vấn, môi giới mua, bán nợ và tài sản (thuộc Mã ngành 6820 - Tư vấn, môi giới, đấu giá bất động sản, đấu giá quyền sử dụng đất).
Căn cứ các quy định nêu trên, trường hợp Sàn giao dịch nợ VAMC phát sinh doanh thu thu phí đăng ký thành viên Sàn giao dịch, doanh thu từ hoạt động tư vấn môi giới mua bán nợ và tài sản thì doanh thu từ các hoạt động này thuộc đối tượng chịu thuế GTGT 10% theo quy định tại Điều 2 và Điều 11 Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính .
Công Văn Số 28463/CTHN-TTHT Ngày 22 Tháng 7 Năm 2021 Về Việc Xuất Hóa Đơn Đối Hoạt Động Mua Bán Nợ
- Trong thời gian từ ngày Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 được ban hành đến ngày 30/6/2022, các Nghị định: số 51/2010/NĐ-CP ngày 14/5/2010 và số 04/2014/NĐ-CP ngày 17/01/2014 của Chính phủ quy định về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ vẫn còn hiệu lực thi hành. Theo đó:
- Trường hợp Công ty kinh doanh trong lĩnh vực mua bán nợ (mà ngành nghề kinh doanh phù hợp với quy định của Pháp luật có liên quan) có phát sinh mua khoản nợ phải thu của khách hàng thì hoạt động mua bán nợ thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT theo quy định tại Khoản 8 Điều 4 Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính.
- Trường hợp Công ty nộp thuế theo phương pháp khấu trừ thuế bán hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT thì sử dụng hóa đơn GTGT, trên hóa đơn GTGT chỉ ghi dòng giá bán là giá thanh toán, dòng thuế suất, số thuế GTGT không ghi và gạch bỏ theo quy định tại Điểm 2.1 Khoản 2 Phụ lục 4 Thông tư số 39/2014/TT-BTC ngày 31/3/2014 của Bộ Tài chính.
Công Văn Số 27456/CTHN-TTHT Ngày 15 Tháng 7 Năm 2021 Về Việc Hướng Dẫn Thuế GTGT Đối Với Hàng Hóa Bán Mà Điểm Giao Nhận Ngoài Việt Nam
- Trường hợp Công ty TNHH Materials Service Complex Việt Nam mua hàng hóa của Công ty A tại Trung Quốc sau đó bán lại hàng hóa này cho Công ty B (doanh nghiệp tại Việt Nam), hàng hóa bán được giao nhận tại cảng Thượng Hải, Trung Quốc (ngoài Việt Nam); nếu Công ty TNHH Materials Service Complex Việt Nam (bên bán) có tài liệu chứng minh việc giao, nhận hàng hóa ở ngoài Việt Nam theo quy định và đáp ứng các điều kiện tại điểm a khoản 2 Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính thì thuộc trường hợp áp dụng thuế suất GTGT 0%.
III. QUẢN LÝ THUẾ
Công văn số 2768/TCT-PC ngày 26/7/2021 về xử phạt vi phạm hành chính thuế, hoá đơn
- Về hành vi chậm nộp hồ sơ khai thuế
Trường hợp cùng một thời điểm người nộp thuế chậm nộp nhiều hồ sơ khai thuế của cùng một sắc thuế (thuộc nhóm hành vi vi phạm về thủ tục thuế) có hạn nộp trước và sau ngày 05/12/2020 thì cơ quan thuế áp dụng nguyên tắc tại khoản 3 Điều 5 Nghị định số 125/2020/NĐ-CP để xử phạt về 01 hành vi chậm nộp hồ sơ khai thuế có khung phạt tiền cao nhất trong số các hành vi đã thực hiện với tình tiết tăng nặng vi phạm nhiều lần (Cơ quan thuế căn cứ quy định tại Nghị định số 129/2013/NĐ-CP và Nghị định số 125/2020/NĐ-CP xác định mức phạt tiền tương ứng với hành vi vi phạm từng thời kỳ để xác định hành vi có mức phạt tiền cao nhất).
Trường hợp cùng một thời điểm người nộp thuế chậm nộp nhiều hồ sơ khai thuế cùng một sắc thuế (thuộc trường hợp bị xử phạt về hành vi trốn thuế có hạn nộp trước và sau ngày 05/12/2020 thì cơ quan thuế xử phạt về từng hành vi trốn thuế theo quy định. Hành vi trốn thuế thực hiện sau sẽ bị áp dụng tình tiết tăng nặng vi phạm nhiều lần.
- Về hành vi lập hóa đơn không đúng thời điểm
Trường hợp người nộp thuế thực hiện hành vi sử dụng hóa đơn không hợp pháp, sử dụng không hợp pháp hóa đơn thuộc trường hợp bị xử phạt theo Điều l6 (khai sai dẫn đến thiếu thuế), Điều 17 (trốn thuế) Nghị định số 125/2020/NĐ-CP thì không bị xử phạt theo Điều 28 (hành vi sử dụng hóa đơn không hợp pháp, sử dụng không hợp pháp hóa đơn) Nghị định số 125/2020/NĐ-CP.
Trường hợp người nộp thuế lập hóa đơn không đúng thời điểm thuộc hành vi vi phạm quy định về lập hóa đơn (Điều 24 Nghị định 125/2020/NĐ-CP) và hành vi quy định tại điểm c khoản 1 Điều 17 Nghị định số 125/2020/NĐ-CP thì người nộp thuế bị xử phạt về từng hành vi vi phạm theo quy định.
Công văn số 2769/TCT-QLN ngày 26/7/2021 về nộp dần tiền thuế nợ
Tại Khoản 5 Điều 124 Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 ngày 13/6/2019 quy định người nộp thuế được nộp dần tiền thuế nợ trong thời hạn không quá 12 tháng kể từ ngày bắt đầu của thời hạn cưỡng chế thuế. Việc nộp dần tiền thuế nợ được thủ trưởng cơ quan quản lý trực tiếp người nộp thuế xem xét trên cơ sở đề nghị của người nộp thuế và phải có bảo lãnh của tổ chức tín dụng.
Công văn 29592/CTHN-KK ngày 29 Tháng 7 Năm 2021 về việc nộp hồ sơ khai thuế trong thời gian thực hiện Chỉ Thị 17/CT-UBND
Cục Thuế TP Hà Nội có ý kiến như sau:
- Trường hợp NNT là tổ chức, cá nhân có trụ sở doanh nghiệp, địa chỉ (thường trú, tạm trú) nằm trong vùng bị cách ly, khu vực bị cách ly theo quyết định, thông báo của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền do dịch bệnh COVID-19 nếu phát sinh nghĩa vụ nộp hồ sơ khai thuế nhưng trong thời gian bị cách ly (bao gồm cả thời gian cách ly toàn xã hội theo văn bản của Thủ tướng Chính phủ, Văn phòng, Chính phủ, cách ly theo vùng, khu vực theo quyết định của cơ quan chính quyền địa phương, cách ly theo quyết định thông báo của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền) không thể thực hiện nộp hồ sơ khai thuế theo đúng quy định pháp luật dẫn đến nộp chậm hồ sơ khai thuế thì không bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định
Công văn số 2566/TCT-CS ngày 13/7/2021 ban hành bởi Tổng Cục Thuế về chính sách liên quan đến giá tính thuế tài nguyên
Trường hợp doanh nghiệp khai thác tài nguyên không bán ra mà phải qua sản xuất, chế biên mới bán ra (xuất khẩu) thì giá tính thuế tài nguyên đối với sản lượng tài nguyên xuất khẩu là trị giá hải quan của tài nguyên khai thác xuất khẩu không bao gồm thuế xuất khẩu theo quy định tại khoản 3 Điều 4 Nghị định số 12/2015/NĐ-CP ngày 12/02/2015 của Chính phủ nêu trên. Trị giá hải quan hàng hoá xuất khẩu thực hiện theo quy định tại Điều 86 Luật Hải quan số 54/2014/QH13 và khoản 3 Điều 1 Thông tư số 60/2019/TT-BTC của Bộ Tài chính.
Gói Hỗ Trợ Cho Doanh Nghiệp Và Người Lao Động Bị Tác Động Bởi Dịch Covid-19
Chiều 1/7, Thủ tướng đã thông qua Nghị quyết 68 về việc hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng do dịch Covid-19 với tổng mức hỗ trợ khoảng 26.000 tỷ đồng. Mục tiêu của Nghị quyết 68 tập trung vào 2 đối tượng: Người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. So với Nghị quyết 42/NQ-CP ngày 09/4/2020, các thủ tục hành chính áp dụng để nhận gói hỗ trợ giảm tới 2/3. Yêu cầu đề ra là chính sách đảm bảo tính khả thi, sao cho mỗi đối tượng chỉ thụ hưởng một chính sách, trừ trường hợp đặc biệt là phụ nữ mang thai, người đang nuôi dưỡng trẻ em và trẻ em bị mắc Covid-19 hoặc phải cách ly.
12 NHÓM CHÍNH SÁCH CỤ THỂ NHƯ SAU:
Thứ nhất là giảm mức đóng bảo hiểm xã hội về tai nạn nghề nghiệp. Hiện quy định là người sử dụng lao động đóng 0.5% thu nhập cho quỹ này.
Theo Nghị quyết 68, mức phí này được giảm trong 12 tháng, nghĩa là không phải đóng tiền nhưng nếu có rủi ro xảy ra, người lao động vẫn được đảm bảo quyền lợi. 11 triệu người sẽ được thụ hưởng chính sách này. Toàn bộ số tiền được giảm đóng này, người sử dụng lao động phải dùng để chi trả cho người lao động.
Thứ 2, tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất. Chính sách này tiếp tục thực hiện theo Nghị quyết 42 nhưng mức tiêu chí giảm nhiều so với Nghị quyết 42. Thời gian áp dụng là 12 tháng.
Thứ 3, hỗ trợ đào tạo với người lao động, sử dụng kinh phí từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp.
Quy định này giúp người lao động và sử dụng lao động được sử dụng kinh phí này để đào tạo, bồi dưỡng, chuyển đổi công việc. Mức hỗ trợ với mỗi người là 1,5 triệu/tháng, không quá 6 tháng. Thời gian áp dụng từ 1/7/2021 tới hết 30/6/2022.
Thứ tư, hỗ trợ người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương từ 1/5 tới 31/12 năm 2021.
Có 2 nhóm đối tượng được hưởng chính sách này, một nhóm (bị tạm dừng hợp đồng lao động từ 15 ngày tới 1 tháng) được hỗ trợ 1,8 triệu đồng và một nhóm (bị tạm dừng hợp đồng lao động trên 1 tháng) được hỗ trợ 3,710 triệu đồng.
Thứ 5, hỗ trợ người lao động ngừng việc. Theo đó, người lao động làm việc theo chế độ hợp đồng lao động bị ngừng việc và thuộc đối tượng phải cách ly y tế hoặc trong các khu vực bị phong tỏa theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền từ 14 ngày trở lên trong thời gian từ 1/5/2021 đến hết 31/12/2021, đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc tính đến thời điểm ngay trước khi ngừng việc, được hỗ trợ một lần 1.000.000 đồng/người.
Thứ 6, hỗ trợ trẻ em và phụ nữ mang thai. Phụ nữ mang thai ngoài các chính sách chung được hỗ trợ 1,7 triệu đồng/tháng. Mỗi trẻ em được hưởng thêm 1 triệu đồng/tháng, chỉ thực hiện hỗ trợ cho một người nuôi dưỡng, hoặc mẹ hoặc bố.
Thứ 7, hỗ trợ tiền ăn 80.000 đồng/người/ngày với công nhân đang phải điều trị Covid-19 hoặc phải cách ly để phòng chống dịch. Những đối tượng này được hưởng hỗ trợ theo số ngày thực tế phải thực hiện các biện pháp cách ly.
Thứ 8, hỗ trợ người lao động trong các đơn vị hoạt động nghệ thuật phải nghỉ để phòng chống dịch. Mức hỗ trợ là 3,7 triệu đồng/người.
Thứ 9, hỗ trợ hướng dẫn viên du lịch (được cấp thẻ hành nghề, bị ảnh hưởng sâu, mất việc từ 15 ngày trở lên) với mức hỗ trợ một lần 3.710.000 đồng/người
Thứ 10, hộ kinh doanh có đăng ký thuế và phải dừng hoạt động từ 15 ngày liên tục trở lên trong thời gian từ ngày 1/5/2021 đến hết ngày 31/12/2021 theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch Covid-19 được hỗ trợ một lần 3 triệu đồng/hộ.
Thứ 11, cho vay để trả lương. Chính sách cho vay trả lương để phục hồi sản xuất là một chính sách mới, được vay với mức lãi suất 0%, không phải thế chấp tài sản, mức vay bằng một tháng lương cần trả cho người lao động, áp dụng tối đa 3 tháng. Áp dụng với những lĩnh vực bị ảnh hưởng sâu như kinh doanh dịch vụ.
Thứ 12, hỗ trợ người lao động tự do và một số đối tượng đặc thù khác. Căn cứ vào điều kiện cụ thể của các địa phương để xây dựng chính sách cụ thể nhưng không ít hơn 1,5 triệu đồng/người/tháng hoặc mức 50.000 đồng/người/ngày.
(Nghị quyết 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ)
IV. THÔNG TIN VỀ TIỀN LƯƠNG, BẢO HIỂM XÃ HỘI
Hướng dẫn về tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc năm 2021
Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã ban hành Thông tư số 06/2021/TT-BLĐTBXH ngày 07/7/2021 sửa đổi, bổ sung TT 59/2015/TT-BLĐTBXH hướng dẫn về bảo hiểm xã hội bắt buộc. Cụ thể, hướng dẫn về tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc như sau:
“Từ ngày 01 tháng 01 năm 2021 trở đi, tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác quy định tại điểm a, tiết b1 điểm b và tiết c1 điểm c khoản 5 Điều 3 của Thông tư số 10/2020/TT-BLĐTBXH ngày 12 tháng 11 năm 2020 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về nội dung của hợp đồng lao động, Hội đồng thương lượng tập thể và nghề, công việc có ảnh hưởng xấu tới chức năng sinh sản, nuôi con.”
Khoản 5 Điều 3 Thông tư 10/2020/TT-BLĐTBXH ngày 12/11/2020 hướng dẫn về nội dung hợp đồng lao động như sau:
“5. Mức lương theo công việc hoặc chức danh, hình thức trả lương, kỳ hạn trả lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác được quy định như sau:
a) Mức lương theo công việc hoặc chức danh: ghi mức lương tính theo thời gian của công việc hoặc chức danh theo thang lương, bảng lương do người sử dụng lao động xây dựng theo quy định tại Điều 93 của Bộ luật Lao động; đối với người lao động hưởng lương theo sản phẩm hoặc lương khoán thì ghi mức lương tính theo thời gian để xác định đơn giá sản phẩm hoặc lương khoán;
b) Phụ cấp lương theo thỏa thuận của hai bên như sau:
b1) Các khoản phụ cấp lương để bù đắp yếu tố về điều kiện lao động, tính chất phức tạp công việc, điều kiện sinh hoạt, mức độ thu hút lao động mà mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động chưa được tính đến hoặc tính chưa đầy đủ;
b2) Các khoản phụ cấp lương gắn với quá trình làm việc và kết quả thực hiện công việc của người lao động.
c) Các khoản bổ sung khác theo thỏa thuận của hai bên như sau:
c1) Các khoản bổ sung xác định được mức tiền cụ thể cùng với mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động và trả thường xuyên trong mỗi kỳ trả lương;
c2) Các khoản bổ sung không xác định được mức tiền cụ thể cùng với mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động, trả thường xuyên hoặc không thường xuyên trong mỗi kỳ trả lương gắn với quá trình làm việc, kết quả thực hiện công việc của người lao động.
Đối với các chế độ và phúc lợi khác như thưởng theo quy định tại Điều 104 của Bộ luật Lao động, tiền thưởng sáng kiến; tiền ăn giữa ca; các khoản hỗ trợ xăng xe, điện thoại, đi lại, tiền nhà ở, tiền giữ trẻ, nuôi con nhỏ; hỗ trợ khi người lao động có thân nhân bị chết, người lao động có người thân kết hôn, sinh nhật của người lao động, trợ cấp cho người lao động gặp hoàn cảnh khó khăn khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và các khoản hỗ trợ, trợ cấp khác thì ghi thành mục riêng trong hợp đồng lao động.
d) Hình thức trả lương do hai bên xác định theo quy định tại Điều 96 của Bộ luật Lao động;
đ) Kỳ hạn trả lương do hai bên xác định theo quy định tại Điều 97 của Bộ luật Lao động.”
Như vậy, tiền lương tháng làm căn cứ tính đóng BHXH bắt buộc xác định gồm:
+ Lương theo công việc hoặc chức danh, các khoản phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác xác định được bằng tiền;
+ Không bao gồm các khoản bổ sung mà không xác định được mức tiền cụ thể và các chế độ phúc lợi khác như: thưởng theo Điều 104 của Bộ Luật lao động (người sử dụng lao động thưởng cho người lao động căn cứ vào kết quả sản xuất, kinh doanh, mức độ hoàn thành công việc của người lao động); tiền ăn giữa ca; các khoản hỗ trợ xăng xe, điện thoại, đi lại, tiền nhà ở, tiền giữ trẻ, nuôi con nhỏ; hỗ trợ khi người lao động có thân nhân bị chết, người lao động có người thân kết hôn, sinh nhật của người lao động, trợ cấp cho người lao động gặp hoàn cảnh khó khăn khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và các khoản hỗ trợ, trợ cấp khác.
(Thông tư số 06/2021/TT-BLĐTBXH ngày 07/7/2021 ban hành bởi Bộ Lao động Thương binh và Xã hội)