global auditing

Enhance your values

 

I.  THUẾ TNDN:

 

Chính Sách Thuế Về Hàng Mẫu Không Thu Tiền

Ngày 17/05/2024, Cục thuế Tỉnh Bình Dương ban hành Công văn số 13042/CTBDU-TTHT hướng dẫn về chính sách thuế đối với hàng mẫu không thu tiền. Cụ thể như sau:

- Trường hợp Công ty phát sinh chương trình tặng hàng mẫu cho khách hàng không thu tiền, nếu Công ty thực hiện theo quy định của pháp luật về thương mại thì khi xuất hàng, Công ty phải lập hóa đơn GTGT trên hóa đơn ghi tên và số lượng hàng hóa, ghi rõ là hàng hóa xuất làm hàng mẫu…, giá tính thuế được xác định bằng không (0).

- Trường hợp không thực hiện theo quy định của pháp luật về thương mại thì khi xuất hàng, Công ty phải lập hóa đơn kê khai, tính nộp thuế GTGT theo quy định tại Khoản 5 Điều 7 Thông tư số 219/2013/TT-BTC và Khoản 1 Điều 4 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP.

Công ty được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN đối với các khoản chi tặng hàng mẫu cho khách hàng nếu đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 4 Thông tư số 96/2015/TT-BTC ngày 22/06/2015 của Bộ Tài chính.

 

Chính Sách Thuế Về Khoản Hỗ Trợ Chi Phí Vận Chuyển

Ngày 17/5/2024, Cục thuế Thành phố Hà Nội ban hành Công văn số 28812/CTHN-TTHT hướng dẫn về chính sách thuế đối với khoản hỗ trợ chi phí vận chuyển như sau:

- Về chi phí được trừ: Khoản hỗ trợ chi phí vận chuyển được hai bên lập biên bản bù trừ công nợ để làm căn cứ trừ vào giá trị hàng hóa mua vào và được quy định cụ thể trong hợp đồng/phụ lục hợp đồng, có bảng kê, biên bản xác nhận chi phí hỗ trợ vận chuyển giữa hai bên thì công ty được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN nếu đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 4 Thông tư số 96/2015/TT-BTC ngày 22/6/2015 của Bộ Tài Chính.

 

 

II. CHÍNH SÁCH THUẾ

 

Chính sách thuế khi sáp nhập doanh nghiệp

Công văn số 3333/TCHQ-TXNK ngày 09/07/2024 của Tổng cục Hải quan về chính sách thuế khi sáp nhập doanh nghiệp.

Tổng cục Hải quan nhận được công văn số: 1306/XNK ngày 13/6/2024 của Công ty TNHH J-Tech Vina đề nghị hướng dẫn về chính sách thuế khi sáp nhập doanh nghiệp. Về vấn đề này, Tổng cục Hải quan có ý kiến như sau:

Trường hợp sáp nhập doanh nghiệp thì doanh nghiệp bị sáp nhập có trách nhiệm hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế trước khi sáp nhập; trường hợp chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế thì doanh nghiệp nhận sáp nhập có trách nhiệm hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế. Doanh nghiệp nhận sáp nhập được hưởng các quyền và lợi ích hợp pháp, chịu trách nhiệm về các nghĩa vụ, các khoản nợ chưa thanh toán, hợp đồng lao động và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp bị sáp nhập. Doanh nghiệp nhận sáp nhập đương nhiên kế thừa toàn bộ quyền, nghĩa vụ, và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp bị sáp nhập theo hợp đồng sáp nhập.

 

Chính sách thuế TNCN

Công văn số 39488/CTHN-TTHT ngày 04/07/2024 của Cục Thuế TP Hà Nội về Chính sách thuế TNCN:

Trả lời công văn số ZENI-HNO/02/2024 đề ngày 08/05/2024 của Văn phòng đại diện The Zenitaka Corporation tại Hà Nội (gọi tắt là Công ty) về chính sách thuế TNCN đối với hoạt động chơi Golf, Cục Thuế TP Hà Nội có ý kiến như sau:

Trường hợp Công ty có cử một hoặc vài nhân sự tham gia chơi Golf để giao lưu hợp tác với khách hàng thì:

1. Nếu các chứng từ và hóa đơn chi phí chơi Golf đều mang tên Công ty thì khoản chi phí này không phải là thu nhập người lao động nhận được nên không tính vào thu nhập chịu thuế TNCN.

2. Nếu thẻ chơi Golf ghi đích danh tên người đại diện là nhân sự của Công ty thì chi phí đó tính vào thu nhập chịu thuế để tính thuế TNCN đối với cá nhân tham gia.

 

Làm Thế Nào Để Chứng Minh Thương Nhân Nước Ngoài Không Có Hiện Diện Tại Việt Nam?

Công văn số 2643/TCHQ-GSQL ngày 10/6/2024 của Tổng cục Hải quan về việc xác định thương nhân nước ngoài không có hiện diện tại Việt Nam.

Văn bản kiến nghị Bộ Công thương và Bộ Kế hoạch & Đầu tư hướng dẫn về thành phần hồ sơ, chứng từ và cách thức, trình tự xác định, kiểm tra thương nhân nước ngoài có hoặc không có hiện diện tại Việt Nam để cơ quan hải quan có cơ sở giải quyết thủ tục xuất nhập khẩu tại chỗ theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 35 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP.

Cụ thể, theo điểm c khoản 1 Điều 35 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP, cơ quan hải quan phải xác định được thương nhân nước ngoài đáp ứng điều kiện “không có hiện diện tại Việt Nam” thì mới thuộc trường hợp xuất nhập khẩu tại chỗ. Trường hợp thương nhân nước ngoài đã “có hiện diện tại Việt Nam” như đã có văn phòng đại diện, chi nhánh, đầu tư thành lập tổ chức kinh tế; đầu tư góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp; thực hiện dự án đầu tư; đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC; các hình thức đầu tư, loại hình tổ chức kinh tế mới theo quy định của Chính phủ) thì không thuộc trường hợp xuất nhập khẩu tại chỗ.

Tuy nhiên, theo Tổng cục Hải quan, các văn bản pháp luật về thương mại và ngoại thương hiện hành (khoản 5 Điều 3 Luật Quản lý ngoại thương số 05/2017/QH14 và khoản 2 Điều 3 Nghị định số 90/2017/NĐ-CP) chỉ quy định khái niệm thương nhân nước ngoài không có hiện diện tại Việt Nam mà không có hướng dẫn về thành phần hồ sơ, chứng từ, cách thức, trình tự xác định, kiểm tra và cũng không quy định cơ quan có thẩm quyền chịu trách nhiệm hướng dẫn nội dung này dẫn đến khó khăn cho Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) trong việc hướng dẫn thực hiện thủ tục hải quan.

CÔNG TY TNHH KIỂM TOÁN VÀ TƯ VẤN TÀI CHÍNH TOÀN CẦU

Văn phòng chính : Tầng 19, Khu A, Toà nhà Indochina Park Tower

Văn phòng giao dịch:  Phòng12A03, Tầng 12 và Phòng15A01, Tầng 15, Khu A, Toà nhà Indochina Park Tower

Số 4 Nguyễn Đình Chiểu, Phường Đakao ,Q.1 ,TP.HCM

Hotline: 0918 70 85 72

Tel: (84-28) 62 998 263/64        Fax: (84-28) 62 998 267

Email: info@globalauditing.com