global auditing

Enhance your values

I.  THUẾ TNDN

 

Kê Khai, Phân Bổ Thuế TNDN Đối Với Chi Nhánh

Ngày 01/06/2022, Cục thuế thành phố Hà Nội ban hành Công văn số 25019/CTHN-TTHT về việc phân bổ thuế TNDN đối với chi nhánh. Nội dung cụ thể như sau:

Trường hợp Công ty có 02 chi nhánh hạch toán phụ thuộc tại thành phố Hà Nội (Chi nhánh Hà Nội) và tỉnh Bắc Ninh (Chi nhánh Bắc Ninh) thì:

- Đối với Chi nhánh Hà Nội là đơn vị phụ thuộc trên cùng điạ bàn cấp tỉnh với trụ sở chính, Công ty có trách nhiệm kê khai phần thu nhập phát sinh tại chi nhánh Hà Nội tập trung hồ sơ khai thuế của Công ty tại cơ quan thuế quản lý trụ sở chính.

- Đối với Chi nhánh Bắc Ninh là cơ sở sản xuất đóng trên địa bàn khác tỉnh, thành phố với trụ sở chính thì Công ty thực hiện phân bổ thuế TNDN theo quy định tại điểm c, Khoản 2 điều 17 Thông tư số 80/2021/TT-BTC. Cụ thể như sau: Số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp tại tỉnh Bắc Ninh bằng (=) số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của hoạt động sản xuất, kinh doanh nhân (x) với tỷ lệ (%) chi phí của chi nhánh Bắc Ninh trên tổng chi phí của Công ty (không bao gồm chi phí của hoạt động được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp). Chi phí để xác định tỷ lệ phân bổ là chi phí thực tế phát sinh của kỳ tính thuế.

Trong đó, số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của hoạt động sản xuất kinh doanh không bao gồm số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp cho hoạt động được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp. Số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của hoạt động được hưởng ưu đãi được xác định theo kết quả sản xuất kinh doanh của hoạt động được hưởng ưu đãi và mức ưu đãi được hưởng.

Công ty căn cứ vào số thuế phải nộp theo từng tỉnh hưởng nguồn thu phân bổ để lập chứng từ nộp tiền và nộp tiền ngân sách nhà nước của từng tỉnh theo quy định tại khoản 4 Điều 12 Thông tư số 80/2021/TT-BTC.

 

Chi Phí Được Trừ Khi Tính Thuế TNDN Và Thu Nhập Chịu Thuế TNCN

Ngày 01/06/2022, Cục thuế tỉnh Bắc Ninh ban hành Công văn số 1717/CTBNI-TTHT hướng dẫn về chi phí được trừ khi tính thuế TNDN và thu nhập chịu thuế TNCN. Nội dung cụ thể như sau:

- Trường hợp Công ty cử người lao động Việt Nam đi công tác nước ngoài theo yêu cầu công việc thì Công ty phải có quyết định hoặc văn bản cử lao động đi công tác ở nước ngoài, kèm theo các hồ sơ tài liệu để chứng minh việc đi công tác nước ngoài của người lao động như: nơi công tác, công việc và kết quả thực hiện… được xác nhận của các bên liên quan. Các khoản chi phí để phục vụ cho lao động công tác ở nước ngoài phải được quy định cụ thể về đối tượng và mức chi trong Quy chế tài chính hoặc Quy chế nội bộ của Công ty thì các khoản chi phí công tác cho người lao động không phải tính vào thu nhập chịu thuế TNCN của người lao động.

- Nếu Công ty chi không đúng đối tượng hoặc vượt mức chi đã quy định thì phần chi không đúng đối tượng hoặc phần chi vượt phải tính vào thu nhập chịu thuế TNCN của lao động được cử đi công tác.

- Trường hợp, người lao động nước ngoài hết thời hạn bổ nhiệm tại Việt Nam và kết thúc hợp đồng lao động, quay trở lại nước sở tại, Công ty chi trả các khoản chi phí vé máy bay, chi phí vận chuyển đồ dùng cá nhân của người lao động về nước (theo thỏa thuận trong hợp đồng lao động đã ký trước đó hoặc theo Thỏa ước lao động tập thể hoặc theo Quy chế tài chính của Công ty) thì các khoản chi phí này nếu có đầy đủ hóa đơn, chứng từ hợp pháp, thanh toán theo đúng quy định của pháp luật thì được tính vào chi phí được trừ khi tính thuế TNDN và phải tính vào thu nhập chịu thuế chịu thuế TNCN.

 

Chi Phí Khấu Hao Trong Thời Gian Tạm Dừng Sản Xuất Không Được Trừ

Ngày 09/05/2022, Cục thuế tỉnh Bắc Ninh ban hành Công văn số 1475/CTBNI-TTHT hướng dẫn về việc tính chi phí khấu hao cho tài sản cố định trong thời gian tạm dừng sản xuất. Nội dung cụ thể như sau:

Trường hợp Công ty không có đơn hàng phải dừng sản xuất, máy móc không sử dụng không thuộc trường hợp phải tạm thời dừng do sản xuất mùa vụ theo thời gian dưới 9 tháng; tạm thời dừng để sửa chữa, để di dời di chuyển địa điểm, để bảo trì, bảo dưỡng theo định kỳ, với thời gian dưới 12 tháng, Công ty vẫn phải trích khấu hao TSCĐ trong thời gian dừng sản xuất nhưng khoản chi phí khấu hao TSCĐ trong thời gian tạm ngừng đó không được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN do không phục vụ sản xuất kinh doanh.

 

Công văn số 1671/TCT-CS ngày 19/5/2022 về chính sách ưu đãi thuế TNDN

Tổng cục Thuế đã có công văn số 472/T1CT-CS ngày 18/02/2022 gửi Công ty cổ phần NKL Bình Thuận hướng dẫn về chính sách thuế (trích dẫn dưới đây): Trích dẫn công văn số 472/TCT-CS ngày 18/2/2022:

- Theo quy định tại khoản 1 Điều 15, khoản 1 Điều 16 Nghị định số 218/2013/NĐ-CPcủa Chính phủ về TNDN thì thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới thuộc các lĩnh vực sản xuất năng lượng tái tạo, năng lượng sạch được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp.

-  Theo quy định tại khoản 5 Điều 19 Nghị định 218/2013/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổsung tại khoản 18 Điều 1 Nghị định số 12/2015/NĐ-CP) thì dự án đầu tư mới được hưởng ưu đãi thuế TNDN là dự án thực hiện lần đầu hoặc dự án đầu tư độc lập với dự án đang thực hiện. Dự án đầu tư mới được hưởng ưu đãi thuế theo quy định tại Điều15, Điều 16 Nghị định 218/2013/NĐ-CP phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy phép đầu tư hoặc Giấy chứng nhận đầu tư hoặc được phép đầu tư theo quyđịnh của pháp luật về đầu tư.

Về nguyên tắc trường hợp doanh nghiệp thực hiện dự án điện mặt trời là dự án đầu tư mới thuộc lĩnh vực sản xuất năng lượng tái tạo, năng lượng sạch thì được hưởng ưu đãi thuế TNDN theo quy định. Việc dự án đầu tư có thuộc diện được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc có được phép thực hiện hay không phải thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư và các văn bản quy phạm pháp lý chuyên ngành.

 

 

II. THUẾ GTGT

 

Nghị Định Số 41/2022/NĐ-CP Sửa Đổi Nghị Định Số 123/2020/NĐ-CP Về Hóa Đơn, Chứng Từ Và Nghị Định Số 15/2022/NĐ-CP Về Chính Sách Giảm Thuế GTGT Tăng Từ 10% Xuống 8%

Ngày 20/06/2022, Chính phủ ban hành Nghị định số 41/2022/NĐ-CP sửa đổi Nghị định số 123/2020/NĐ-CP về hóa đơn, chứng từ và Nghị định số 15/2022/NĐ-CP về chính sách giảm thuế GTGT tăng từ 10% xuống 8%. Nội dung cụ thể như sau:

- Trường hợp cơ sở kinh doanh tính thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ thì khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ áp dụng các mức thuế suất khác nhau thì trên hóa đơn giá trị gia tăng phải ghi rõ thuế suất của từng hàng hóa, dịch vụ theo quy định.

- Trường hợp cơ sở kinh doanh doanh (bao gồm cả hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh) tính thuế giá trị gia tăng theo phương pháp tỷ lệ % trên doanh thu thì khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, trên hóa đơn bán hàng phải ghi rõ số tiền được giảm theo quy định.

- Trường hợp từ ngày 01/02/2022 đến ngày 20/06/2022, cơ sở kinh doanh đã thực hiện theo quy định tại Điều 2 Nghị định số 41/2022/NĐ-CP thì vẫn được giảm thuế GTGT và không phải điều chỉnh lại hóa đơn, không bị xử phạt vi phạm hành chính về thuế và hóa đơn.

Ngoài ra, Nghị định số 41/2022/NĐ-CP cũng ban hành Thông báo về việc tiếp nhận và kết quả xử lý về việc hóa đơn điện tử đã lập có sai sót theo Mẫu số 01/TB-HĐSS thay thế Mẫu số 01/TB-SSĐT Phụ lục IB ban hành kèm theo Nghị định số 123/2020/NĐ-CP.

Nghị định số 41/2022/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày ký ban hành.

 

Công văn số 1525/TCT-CS ngày 12/5/2022 về hoàn thuế GTGT

Trường hợp mặt hàng băng keo y tế, chỉ thị kiểm soát y tế và ống nghe y tế được nhập
khẩu, sau đó tháo dỡ phân loại, bóc tách từng chi tiết mặt hàng, xử lý khuẩn, đóng gói
vô trùng không làm thay đổi hàng hóa nhập khẩu ban đầu để xuất khẩu thì được xác
định là hàng hóa nhập khẩu, sau đó xuất khẩu và thuộc trường hợp không được hoàn
thuế GTGT.

 

 

III. CHÍNH SÁCH THUẾ

 

Xuất Hóa Đơn Cho Cá Nhân Rút Vốn Bằng Tài Sản

Ngày 03/06/2022, Cục thuế thành phố Hà Nội ban hành Công văn số 25536/CTHN-TTHT về việc xuất hóa đơn cho trường hợp cá nhân rút vốn bằng tài sản. Nội dung cụ thể như sau:

Trường hợp cá nhân góp vốn thành lâp Công ty, sau đó rút vốn bằng tài sản thì Công ty thực hiện lập hóa đơn GTGT theo mức thuế suất thuế GTGT tương ứng của từng tài sản. Công ty thực hiện kê khai, nộp thuế GTGT và thuế TNDN theo quy định.

 

Thời Điểm Phát Hành Hóa Đơn Thương Mại Và Hóa Đơn Điện Tử Khác Nhau Khi Xuất Khẩu

Ngày 03/06/2022, Tổng Cục Hải quan ban hành Công văn số 2054/TCHQ-GSQL về việc sử dụng hóa đơn điện tử cho hàng hóa xuất khẩu. Nội dung cụ thể như sau:

- Theo thông lệ quốc tế khi làm thủ tục xuất khẩu hàng hóa, doanh nghiệp sử dụng hóa đơn thương mại để làm thủ tục hải quan và xuất khẩu hàng hóa ra nước ngoài. Hóa đơn thương mại được lập và sử dụng căn cứ vào quy tắc và thực hành thống nhất về tín dụng chứng từ UCP 600 và đảm bảo đáp ứng đầy đủ các nội dung theo thông lệ quốc tế.

- Theo quy định tại điểm b, điểm c khoản 3 điều 13 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ thì thời điểm phát hành hóa đơn GTGT đối với hàng hóa xuất khẩu là sau khi người khai hải quan hoàn thành thủ tục hải quan xuất khẩu. Do đó, tại thời điểm làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu người khai hải quan chưa thể phát hành hóa đơn GTGT để nộp trong bộ hồ sơ hải quan.

Theo đó, việc lập hóa đơn điện tử là thực hiện theo pháp luật Việt Nam còn hóa đơn trong thương mại quốc tế thực hiện theo thông lệ quốc tế. Thời điểm phát hành hai loại hóa đơn này là khác nhau: hóa đơn thương mại phát hành trước khi làm thủ tục hải quan còn hóa đơn điện tử phát hành sau.

 

Xuất Hóa Đơn Điều Chỉnh Cho Nhiều Hóa Đơn Sai Sót

Ngày 06/05/2022, Cục thuế tỉnh Bắc Ninh ban hành Công văn số 1464/CTBNI-THTT hướng dẫn về việc xuất hóa đơn điện tử điều chỉnh. Nội dung cụ thể như sau:

- Trường hợp ngày 20/04/2022 Công ty lập hóa đơn GTGT số 01 đã được cơ quan Thuế cấp mã và gửi cho bên mua. Ngày 22/04/2022 Công ty phát hiện thuế suất thuế GTGT bị sai, bên mua và bên bán đã lập biên bản thỏa thuận về nội dung sai sót và Công ty lập hóa đơn GTGT số 02 để điều chỉnh thuế suất và tiền thuế GTGT cho hóa đơn số 01 đã được cấp mã và gửi cho bên mua. Ngày 26/04/2022 Công ty phát hiện hóa đơn số 02 (hóa đơn điều chỉnh) sai số tiền bằng chữ. Công ty tiếp tục thực hiện theo hình thức đã lựa chọn áp dụng khi xử lý sai sót lần đầu: lập biên bản thỏa thuận về nội dung sai sót và Công ty lập hóa đơn GTGT số 03 để điều chỉnh cho số hóa đơn số 02 có sai sót.

Hiện nay, ứng dụng hóa đơn điện tử đang hướng dẫn 01 hóa đơn điện tử điều chỉnh cho 01 hóa đơn (điều chỉnh 1:1), chưa cho lập 01 hóa đơn để điều chỉnh cho nhiều hóa đơn sai sót.

 

Xử Lý Hóa Đơn Cũ Bị Sai Sót Sau Khi Áp Dụng Hóa Đơn Điện Tử Theo Nghị Định Số 123/2021/NĐ-CP

Ngày 01/06/2022, Cục thuế thành phố Hà Nội ban hành Công văn số 25024/CTHN-TTHT hướng dẫn về việc xuất hóa đơn điện tử điều chỉnh. Nội dung cụ thể như sau:

- Trường hợp hóa đơn đã lập (theo Nghị định số 51/2010/NĐ-CP, Nghị định số 04/2014/NĐ-CP của Chính phủ và các văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính) với giá bán là giá tạm tính tại thời điểm ký hợp đồng sau đó phát sinh giảm giá bán thì người bán và người mua phải lập văn bản thỏa thuận ghi rõ sai sót, người bán thực hiện thông báo với cơ quan thuế theo Mẫu số 04/SS-HĐĐT ban hành kèm theo Nghị định số 123/2020/NĐ-CP và lập hóa đơn điện tử mới (hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế hoặc hóa đơn điện tử không có mã) thay thế cho hóa đơn đã lập có sai sót. Hóa đơn điện tử thay thế hóa đơn đã lập có sai sót phải có dòng chữ “Thay thế cho hóa đơn Mẫu số… ký hiệu… số… ngày… tháng… năm”. Người bán ký số trên hóa đơn điện tử mới thay thế hóa đơn đã lập có sai sót (hóa đơn lập theo Nghị định số 51/2010/NĐ-CP, Nghị định số 04/2014/NĐ-CP của Chính phủ và các văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính) để gửi cho người mua (đối với trường hợp sử dụng hóa đơn điện tử không có mã) hoặc người bán gửi cơ quan thuế để được cấp mã cho hóa đơn điện tử thay thế hóa đơn đã lập (đối với trường hợp sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế) theo hướng dẫn tại khoản 6 Điều 12 Thông tư số 78/2021/TT-BTC ngày 17/9/2021 của Bộ Tài chính.


Hóa Đơn Điện Tử Không Có Mã Phải Đăng Ký Với Cơ Quan Thuế

Ngày 08/04/2022, Tổng Cục thuế ban hành Công văn số 1058/TCT-DNNCN hướng dẫn về sử dụng hóa đơn điện tử không có mã của cơ quan thuế. Nội dung cụ thể như sau:

- Doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử không có mã của cơ quan thuế và chuyển dữ liệu theo hình thức kết nối trực tiếp đến Tổng Cục thuế phải đáp ứng các điều kiện theo quy định và gửi văn bản đề nghị kết nối trực tiếp của doanh nghiệp, nêu rõ số lượng hóa đơn sử dụng.

 

Thông tư 05/2022/TTBKHCN ngày 31/5/2022 hướng dẫn sử dụng Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp

DN có quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong việc quản lý, sử dụng quỹ đúng mục đích theo quy định tại khoản 3 Điều 63 Luật Khoa học và Công nghệ. DN có trách nhiệm thông báo việc thành lập Quỹ, xây dựng Quy chế khoa học và công nghệ của doanh nghiệp, Quy chế chi tiêu, sử dụng Quỹ cho cơ quan thuế trực tiếp quản lý doanh nghiệp cùng thời điểm nộp báo cáo trích, sử dụng Quỹ trong kỳ trích lập đầu tiên.

Các khoản chi được sử dụng Quỹ phát triển khoa học công nghệ của doanh nghiệp được Thông tư số 05/2022 quy định tại các điều khoản cụ thể như sau:

Điều 3. Chi thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ

Điều 4. Chi hỗ trợ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp

Điều 5. Chi thực hiện hoạt động chuyển giao công nghệ

Điều 6. Chi phục vụ hoạt động quản lý Quỹ

Ngoài ra, doanh nghiệp còn có thể yêu cầu hỗ trợ từ Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia; Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của các bộ; Quỹ phát triển khoa học và công nghệ tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi doanh nghiệp đăng ký nộp thuế. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 6 năm 2022 và áp dụng cho việc sử dụng Quỹ khoa học và công nghệ tại doanh nghiệp từ kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2022.

Các Điều 2, Điều 3, Điều 5, Điều 6, Điều 7, Điều 8, Điều 9, Điều10, Điều 11, Điều 15 và Mẫu số 01 của Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư liên tịch số 12/2016/TTLT-BKHCN-BTC ngày 28 tháng 6 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn nội dung chi và quản lý Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp hết hiệu lực kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực.

 

 

IV. LAO ĐỘNG , BẢO HIỂM

 

Điều Chỉnh Mức Đóng BHXH Vào Quỹ Bảo Hiểm TNLĐ, BNN Từ Ngày 01/07/2022

Theo Nghị quyết số 68/2021/NQ-CP ngày 01/07/2021, mức đóng BHXH vào quỹ bảo hiểm TNLĐ, BNN bằng 0% trong thời gian từ ngày 01/7/2021 đến hết ngày 30/6/2022. Theo đó, từ ngày 01/7/2022, người sử dụng lao động sẽ không còn được giảm mức đóng BHXH vào quỹ bảo hiểm TNLĐ, BNN.

 

Thay Đổi Lương Tối Thiếu Vùng

Ngày 12/06/2022, Chính phủ ban hành Nghị định số 38/2022/NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động. Theo đó, mức lương tối thiểu tháng và mức lương tối thiểu giờ đối với người lao động làm việc cho người sử dụng lao động theo vùng như sau:

Vùng

Mức lương tối thiếu tháng

(Đơn vị: đồng/ tháng)

Mức lương tối thiếu giờ

(Đơn vị: đồng/ giờ)

Vùng I

4.680.000

22.500

Vùng II

4.160.000

20.000

Vùng III

3.640.000

17.500

Vùng IV

3.250.000

15.600

Nghị định có hiệu lực từ ngày 01/07/2022.

CÔNG TY TNHH KIỂM TOÁN VÀ TƯ VẤN TÀI CHÍNH TOÀN CẦU

Văn phòng chính : Tầng 19, Khu A, Toà nhà Indochina Park Tower

Văn phòng giao dịch:  Phòng12A03, Tầng 12 và Phòng15A01, Tầng 15, Khu A, Toà nhà Indochina Park Tower

Số 4 Nguyễn Đình Chiểu, Phường Đakao ,Q.1 ,TP.HCM

Hotline: 0918 70 85 72

Tel: (84-28) 62 998 263/64        Fax: (84-28) 62 998 267

Email: info@globalauditing.com