I. THUẾ THU NHẬP DOANH NGHIỆP
Áp dụng quy định giảm 30% thuế TNDN đối với doanh nghiệp có báo cáo tài chính hợp nhất
Tiêu chí doanh thu để xác định đối tượng áp dụng được giảm thuế TNDN theo Nghị quyết số 116/2020/QH14 và Nghị định số 114/2020/NĐ-CP đối với doanh nghiệp bao gồm cả doanh thu của chi nhánh thể hiện trên báo cáo tài chính hợp nhất năm 2020.
(Công văn số 967/TCT-CS ngày 05/04/2021 ban hành bởi Tổng cục Thuế)
Về Thuế thu nhập doanh nghiệp:
1. Về việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp theo Nghị quyết số 116/2020/QH14.
Tổng cục Thuế có công văn số 1234/TCT- CS ngày 26/04/2021 hướng dẫn Cục Thuế TP Hà Nội về việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp theo Nghị quyết số 116/2020/QH14.
Theo đó, trường hợp Công ty là bên đại diện kê khai nộp thuế của hợp đồng hợp tác kinh doanh phân chia kết quả bằng lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp thì tổng doanh thu năm 2020 làm căn cứ xác định đối tượng giảm thuế theo Nghị quyết số 116/2020/QH14 có bao gồm doanh thu từ hợp đồng hợp tác kinh doanh.
2. Về chính sách thuế TNDN đối với trường hợp trả cổ tức bằng chuyển nhượng quyền sở hữu.
Tổng cục Thuế có công văn số 1288/TCT-CS ngày 28/04/2021 hướng dẫn Công ty TNHH Sản xuất Kuroda Việt Nam về chính sách thuế TNDN.
Cục Thuế TP Hà Nội có công văn số 88090/CT-TTHT ngày 2/10/2020 hướng dẫn Công ty TNHH Sản xuất Kuroda Việt Nam về chính sách thuế TNDN.
Theo đó, trường hợp nếu nhà đầu tư nước ngoài được phép chuyển nhượng vốn góp của nhà đầu tư đã đầu tư vào Công ty TNHH tại Việt Nam (theo kế hoạch tái cấu trúc tập đoàn), bên chuyển nhượng và bên nhận chuyển nhượng đều là tổ chức nước ngoài không hoạt động theo Luật đầu tư, Luật doanh nghiệp của pháp luật Việt Nam, nếu phát sinh thu nhập thì Công ty TNHH tại Việt Nam có trách nhiệm kê khai và nộp thay nhà đầu tư nước ngoài số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp từ hoạt động chuyển nhượng vốn của nhà đầu tư nước ngoài theo quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý thuế theo quy định tại Điều 14 Thông tư số 78/2014/TT-BTC và Điều 16 Thông tư số 151/2014/TT-BTC ngày 10/10/2014 của Bộ Tài chính.
Trường hợp cơ quan thuế có cơ sở xác định giá thanh toán không phù hợp theo giá thị trường, cơ quan thuế có quyền kiểm tra và ấn định giá chuyển nhượng.
Quy Định Mới Về Tạm Ngừng Kinh Doanh
“Tạm ngừng kinh doanh” là tình trạng pháp lý của doanh nghiệp đang trong thời gian thực hiện tạm ngừng kinh doanh theo quy định tại khoản 1 Điều 206 Luật Doanh nghiệp. Doanh nghiệp phải thông báo bằng văn bản cho Cơ quan đăng ký kinh doanh chậm nhất là 03 ngày làm việc trước ngày tạm ngừng kinh doanh hoặc tiếp tục kinh doanh trước thời hạn đã thông báo.
Theo quy định cũ, thời hạn tạm ngừng kinh doanh tối đa là 2 năm. Tuy nhiên, Nghị định số 01/2021/NĐ-CP ban hành ngày 04/01/2021 không còn quy định này. Mỗi lần tạm ngừng kinh doanh tối đa 1 năm. Doanh nghiệp có thể tạm ngừng kinh doanh nhiều lần liên tiếp (không giới hạn thời gian). Cụ thể tại khoản 1, Điều 66 của Nghị định số 01/2021/NĐ-CP như sau:
1. Trường hợp doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh tạm ngừng kinh doanh hoặc tiếp tục kinh doanh trước thời hạn đã thông báo, doanh nghiệp gửi thông báo đến Phòng Đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh đặt trụ sở chậm nhất 03 ngày làm việc trước ngày tạm ngừng kinh doanh hoặc tiếp tục kinh doanh trước thời hạn đã thông báo. Trường hợp doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh có nhu cầu tiếp tục tạm ngừng kinh doanh sau khi hết thời hạn đã thông báo thì phải thông báo cho Phòng Đăng ký kinh doanh chậm nhất 03 ngày làm việc trước ngày tiếp tục tạm ngừng kinh doanh. Thời hạn tạm ngừng kinh doanh của mỗi lần thông báo không được quá một năm…
Công văn số 1402/TCT-CS ngày 7/5/2021 về việc chi phí lương của người nước ngoài sang làm việc tại Việt Nam sau khi hết thời hạn tự cách ly do dịch Covid-19 mà chưa được cấp giấy phép lao động.
Theo Bộ Luật lao động số 45/2019/QH14: Điều 153. Trách nhiệm của người sử dụng lao động và người lao động nước ngoài.
1. Người lao động nước ngoài phải xuất trình giấy phép lao động khi có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
2. Người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam không có giấy phép lao động sẽ bị buộc xuất cảnh hoặc trục xuất theo quy định của pháp luật về nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.
3. Người sử dụng lao động sử dụng người lao động nước ngoài làm việc cho mình mà không có giấy phép lao động thì bị xử lý theo quy định của pháp luật”
Căn cứ các quy định trên, trường hợp Công ty TNHH Vienergy có lao động là người nước ngoài (Trung Quốc) sang Việt Nam làm việc tại công ty thì phải thực hiện quy định tại Điều 151, Điều 153 Bộ Luật lao động số 45/2019/QH14 ngày 20/11/2019 về điều kiện người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam.
Đề nghị Cục thuế tỉnh Ninh Bình căn cứ quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật và điều kiện thực tế của doanh nghiệp để hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện theo đúng quy định
Công văn số 1607/TCT-CS ngày 19/5/2021 về trả lời chính sách thuế
Doanh nghiệp chỉ được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp đối với khoản tài trợ cho giáo dục, y tế, nghiên cứu khoa học, khắc phục hậu quả thiên tai, làm nhà đại đoàn kết, nhà tình nghĩa, nhà cho các đối tượng chính sách theo quy định của pháp luật, khoản tài trợ theo chương trình của Nhà nước dành cho các địa phương thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn nếu đáp ứng điều kiện đúng đối tượng và có đủ hồ sơ theo quy định. Do đó, việc Cục thuế thành phố Hải Phòng đề xuất cho phép các doanh nghiệp được hạch toán khoản chi phí đóng góp xây dựng tuyến đê biển Nam Đình Vũ vào chi phí đầu tư xây dựng dự án khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp là không có cơ sở để xem xét giải quyết.
II. THUẾ GTGT
Nhận hỗ trợ phải nộp thuế GTGT nếu bản chất là tiền dịch vụ
(Công văn số 10143/CTHN-TTHT ngày 05/04/2021 ban hành bởi Cục Thuế TP. Hà Nội)
“Tiền hỗ trợ” nếu bản chất là tiền thuê thực hiện các dịch vụ khuyến mại, quảng cáo, bảo hành, sửa chữa thì không được miễn thuế GTGT, bên nhận hỗ trợ vẫn phải phát hành hóa đơn và tính thuế (Khoản 1, Điều 5, Thông tư số 219/2013/TT-BTC).
Theo đó, trường hợp chi nhánh có chi tiền hỗ trợ cho các nhà phân phối để thực hiện chương trình hỗ trợ bán hàng, hỗ trợ chăm sóc khách hàng, hỗ trợ vận chuyển, tiếp thị, trưng bày sản phẩm… cho chi nhánh thì khi nhận hỗ trợ, các nhà phân phối phải xuất hóa đơn, khai nộp thuế GTGT.
Việc nhà phân phối xuất hóa đơn GTGT hay hóa đơn bán hàng và tính thuế GTGT theo thuế suất 10% hay theo tỷ lệ trên doanh thu tùy thuộc nhà phân phối nộp thuế theo phương pháp khấu trừ hay trực tiếp.
Chính sách thuế GTGT đối với bán tài sản cho thuê tài chính:
Tổng cục Thuế có công văn số 1432/TCT-CS ngày 10/05/2021 hướng dẫn Hiệp hội cho thuê tài chính về chính sách thuế GTGT.
Theo đó, trường hợp doanh nghiệp mua tài sản thuộc đối tượng chịu thuế GTGT phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế GTGT, sau đó bán tài sản cho Công ty cho thuê tài chính rồi thuê lại chính tài sản đó theo hình thức thuê mua tài chính để làm tài sản cố định sử dụng cho sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế GTGT thì khi bán tài sản, doanh nghiệp thực hiện lập hóa đơn GTGT và kê khai nộp thuế GTGT theo quy định.
Đối với thuế GTGT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ sử dụng cho sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế GTGT thì không được khấu trừ, cơ sở kinh doanh được hạch toán vào chi phí để tính thuế TNDN hoặc tính vào nguyên giá của tài sản cố định, trừ số thuế GTGT của hàng hóa dịch vụ mua vào từng lần có giá trị từ hai mươi triệu đồng trở lên không có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt.
Công văn số 1449/TCT- CS ngày 11/5/2021 về chính sách thuế đối với hoạt động bán điện mặt trời.
Trường hợp Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Năng lượng Cao Nguyên có dự án đầu tư điện mặt trời trên mái nhà được nghiệm thu, đưa vào vận hành thương mại ngày 18/11/2019 thì thời điểm xác định thuế GTGT và thời điểm lập hóa đơn đối với sản lượng triển phát lên lưới từ năm 2019 thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 8, Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính, khoản 2 Điều 16 Thông tư số 39/2014/TT-BTC ngày 31/3/2014 của Bộ Tài chính.
Trường hợp khi bán điện nhưng chưa có giá bán chính thức theo quy định của Chính phủ thì Công ty thực hiện lập hóa đơn, kê khai, tính nộp thuế GTGT theo giá do bên bán và bên mua xác định. Khi có giá bán chính thức theo quy định của Chính phủ thì Công ty thực hiện lập hóa đơn điều chỉnh và kê khai điều chỉnh, bổ sung theo hướng dẫn tại khoản 3 Điều 20 Thông tư số 39/2014/TT-BTC ngày 31/3/2014 của Bộ Tài chính.
Bên bán và Bên mua chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực của số liệu đã kê khai.
Thủ tục hải quan khi tách công ty
1414/TCHQ-GSQL V/v thủ tục hải quan khi tách công ty 26/03/2021
1. Đối với hàng hóa chuyển giao khi tách công ty:
a) Về chính sách thuế: Đối với trường hợp công ty được thực hiện tách theo đúng quy định tại Điều 199 Luật Doanh nghiệp số 59/2020/QH14 thì hàng hóa chuyển giao từ DNCX bị tách sang DNCX được tách không thuộc đối tượng chịu thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và thuế GTGT.
b) Về thủ tục hải quan: Đối với trường hợp công ty được thực hiện tách theo đúng quy định tại Điều 199 Luật Doanh nghiệp số 59/2020/QH14 thì hàng hóa chuyển giao từ DNCX bị tách sang DNCX được tách trong cùng một khu chế xuất được lựa chọn thực hiện hoặc không thực hiện thủ tục hải quan. Trường hợp không làm thủ tục hải quan, DNCX lập và lưu trữ chứng từ, sổ chi tiết việc theo dõi hàng hóa chuyển giao theo các quy định của Bộ Tài chính về tách doanh nghiệp, chế độ kế toán, kiểm toán.
2. Về việc nộp báo cáo quyết toán (BCQT): Trường hợp DNCX được tách là chi nhánh độc lập và kế thừa toàn bộ quyền, nghĩa vụ của DNCX bị tách thì không phải làm BCQT tại thời điểm bị tách khỏi Công ty.
3. Thủ tục hải quan đối với hàng đã tạm nhập hoặc đã tạm xuất khi tách Công ty: Đối với hàng hóa ban đầu do công ty bị tách làm thủ tục tạm nhập, tạm xuất, sau đó đến thời hạn phải tái xuất, tái nhập, công ty được tách làm thủ tục tái xuất, tái nhập trên tờ khai hải quan giấy và xuất trình cho cơ quan hải quan tài liệu, hồ sơ chứng minh công ty được tách là chủ hàng hóa.
4. Sử dụng giấy phép nhập khẩu hàng hóa chuyên ngành: Công ty được tách khi thực hiện thủ tục nhập khẩu hàng hóa phải có giấy phép nhập khẩu thì xuất trình giấy phép nhập khẩu do cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền cấp cho công ty được tách theo quy định tại Điều 16 Thông tư số 38/2015/TT-BTC được sửa đổi, bổ sung tại khoản 5 Điều 1 Thông tư số 39/2018/TT-BTC, trừ trường hợp xuất trình văn bản của cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền cho phép công ty được tách tiếp tục được sử dụng giấy phép nhập khẩu đã cấp trước đây cho công ty bị tách.
III. QUẢN LÝ THUẾ
Công văn số 1524/TCT-DNL ngày 17/5/2021 về mức phí tư vấn trong giao dịch liên kết
Tại Báo cáo kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước tại Tổng công ty xi măng kèm theo văn bản số 249/KTNN-CNVI ngày 03/9/2020 có nội dung:
“... Qua kiểm tra xây dựng mức phí tư vấn tại Vicem cho thấy: Vicem không có phương án tính toán xây dựng mức phí (tỷ lệ %) thu tiền dịch vụ tư vấn, không giải trình được cách thức, cơ sở xây dựng mức phí, việc thu 02 loại phí tư vấn đối với các đơn vị còn có sự chưa thống nhất về mức phí tư vấn cho cùng một loại dịch vụ tư vấn: ví dụ tại Vicem Hoàng Thạch là 0,8% doanh thu xi măng, tại Bút Sơn là 0,1% doanh thu xi măng; tại Công ty xi măng Bút Sơn là 0,3 % doanh thu xi măng . . . Như vậy các khoản chi phí trên chưa đáp ứng đủ các điều kiện được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế theo quy định tại điểm a, khoản 2 Điều 8 Nghị định 20/2017/NĐ-CP ngày 24/12/2017 của Chính phủ quy định và quản lý thuế đối với doanh nghiệp có liên kết.
Bộ Tài chính không trực tiếp thanh tra, kiểm tra các hồ sơ liên quan đến việc thực hiện cung ứng dịch vụ tư vấn của Tổng công ty xi măng Việt Nam cho các đơn vị thành viên. Việc xem xét, đánh giá phương pháp tính giá giao dịch liên kết hoặc phân bổ mức phí dịch vụ giữa các bên liên kết cần phải căn cứ vào hồ sơ thực tế của người nộp thuế trên cơ sở tuân thủ quy định của pháp luật.
IV. BẢO HIỂM XÃ HỘI
Về việc sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng VSS-ID để khám chữa bệnh BHYT
BHXH Việt Nam vừa có Công văn 1493/BHXH-CSYT về việc sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng VSS-ID để khám chữa bệnh BHYT. Theo đó, BHXH Việt Nam đề nghị BHXH các tỉnh báo cáo UBND tỉnh, phối hợp Sở y tế để chỉ đạo cơ sở KCB triển khai thực hiện một số nội dung sau:
- Từ ngày 01/6/2021, người bệnh BHYT đến khám, chữa bệnh được sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng VSS-ID thay thế cho việc sử dụng BHYT giấy.
Như vậy, người dân đã cài ứng dụng VssID, sẽ không cần mang thẻ BHYT giấy khi đi khám chữa bệnh.