global auditing

Enhance your values

 

I.  THUẾ TNDN

 

Kê Khai Thuế GTGT, Thuế TNDN Đối Với Chi Nhánh Hạch Toán Phụ Thuộc Là Nhà Máy Sản Xuất Khác Tỉnh Hưởng Ưu Đãi Thuế TNDN

Ngày 27/01/2022, Cục thuế Thành phố Hà Nội ban hành Công văn số 4016/CTHN-TTHT hướng dẫn kê khai thuế GTGT, thuế TNDN đối với Chi nhánh hạch toán phụ thuộc là nhà máy sản xuất khác tỉnh hưởng ưu đãi thuế TNDN. Nội dung cụ thể như sau:

Công ty có trụ sở tại Hà Nội, có Chi nhánh hạch toán phụ thuộc là nhà máy sản xuất tại tỉnh Hưng Yên, Chi nhánh có tổ chức bộ máy kế toán riêng, trực tiếp bán hàng, phát sinh doanh thu, sử dụng riêng hóa đơn GTGT, theo dõi hạch toán đầy đủ thuế GTGT đầu ra, đầu vào. Chi nhánh bắt đầu áp dụng ưu đãi thuế TNDN kể từ kỳ tính thuế năm 2021 thì việc kê khai thuế GTGT, thuế TNDN đối với Chi nhánh tại tỉnh Hưng Yên được thực hiện như sau:

 

– Về kê khai thuế GTGT: Chi nhánh tại tỉnh Hưng Yên nộp hồ sơ khai thuế GTGT cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp của chi nhánh (là Cục thuế tỉnh Hưng Yên).

 

– Về kê khai thuế TNDN: Trong năm 2021, Chi nhánh tại tỉnh Hưng Yên thực hiện kê khai thuế TNDN tập trung tại cơ quan thuế quản lý trực tiếp trụ sở chính (Cục thuế Thành phố Hà Nội) theo quy định tại Điều 16, Thông tư số 151/2014/TT-BTC ngày 10/10/2014 của Bộ Tài chính. Số thuế phải nộp tại địa phương nơi có chi nhánh trong thời gian hưởng ưu đãi thuế TNDN được xác định trên cơ sở thu nhập phát sinh tương ứng tại địa phương.

Đối với khai quyết toán thuế TNDN của kỳ tính thuế năm 2021 cũng được áp dụng theo mẫu biểu hồ sơ quy định tại Thông tư số 80/2021/TT-BTC.

Từ ngày 01/01/2022, việc kê khai, tính thuế, quyết toán thuế, phân bổ và nộp thuế TNDN của Công ty đối với các Chi nhánh là nh máy sản xuất tại tỉnh Hưng Yên được thực hiện theo hướng dẫn tại Điểm c Khoản 2 và Điểm c Khoản 3, Điều 17, Thông tư số 80/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính.

 

Chi Phí Sản Xuất Thử Có Đủ Hồ Sơ Được Xác Định Là Chi Phí Được Trừ

Ngày 27/01/2022, Cục thuế tỉnh Bắc Ninh ban hành Công văn số 199/CTBNI-TTHT hướng dẫn hạch toán và chi phí được trừ khi tính thuế TNDN đối với chi phí sản xuất thử. Nội dung cụ thể như sau:

Trường hợp Công ty phát sinh các chi phí sản xuất thử sản phẩm thì khoản chi này nếu đáp ứng đầy đủ các điều kiện quy định tại khoản 1, Điều 6, Thông tư số 78/2014/TT-BTC ngày 18/6/2014 của Bộ Tài chính thì Công ty được tính vào chi phí được trừ khi tính thuế TNDN.

Công ty phải có đầy đủ hồ sơ, tài liệu về quá trình sản xuất thử sản phẩm (từ kế hoạch hoặc quyết định về việc sản xuất thử sản phẩm mới; mua nguyên vật liệu, đưa vào sản xuất, nhập kho thành phẩm sản xuất thử; đánh giá thành phẩm sản xuất tử, thu hồi (bán, thanh lý) sản phẩm sản xuất thử; hồ sơ, tài liệu về việc buộc phải tiêu hủy sản phẩm sản xuất thử không đạt chất lượng, nguyên vật liệu sản xuất thử không phù hợp, không tái sử dụng được, không bán được và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực của các hồ sơ, tài liệu này. Công ty có trách nhiệm xuất trình cho cơ quan thuế hoặc các cơ quan quản lý nhà nước khác khi có yêu cầu.

 

Chi Phí Hàng Hóa Bị Tiêu Hủy Do Hư Hỏng Trong Quá Trình Vận Chuyển Là Chi Phí Không Được Trừ

Ngày 19/01/2022, Cục thuế tỉnh Bình Dương ban hành Công văn số 798/CTBDU-TTHT về chi phí của hàng hóa bị tiêu hủy do hư hỏng trong quá trình vận chuyển. Nội dung cụ thể như sau:

Trường hợp Công ty có hàng hóa không đảm bảo chất lượng, sai quy cách không đáp ứng yêu cầu của hợp đồng phải thực hiện tiêu hủy thì chi phí tiêu hủy hàng hóa hỏng không thuộc trường hợp bất khả kháng, đồng thời không được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN.

 

Chi phí bán hàng tại nước ngoài là chi phí được trừ khi đủ chứng từ

Ngày 19/01/2022, Cục thuế tỉnh Bình Dương ban hành Công văn số 22455/CTBDU-TTHT về chi phí bán hàng tại nước ngoài. Nội dung cụ thể như sau:

Công ty phát sinh các chi phí bán hàng tại nước ngoài nếu đảm bảo quy định nêu trên thì được tính chi phí hợp lý khi tính thuế TNDN. Ngoài ra theo Khoản 4, Điều 5, Thông tư số 156/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính, ngôn ngữ đước sử dụng trong hồ sơ thuế là tiếng Việt. Vì vậy nếu sử dụng tài liệu nước ngoài thì phải dịch sang tiếng Việt, sau đó người nộp thuế ký tên, đóng dấu xác nhận và chịu trách nhiệm về tính chính xác nội dung bản dịch.

 

 

II.  THUẾ TNCN

 

Phân Bổ Thuế TNCN Cho Chi Nhánh Khác Tỉnh

Ngày 28/01/2022, Cục thuế thành phố Hải Phòng ban hành Công văn số 303/CTHPH-TTHT về chính sách thuế TNCN. Nội dung cụ thể như sau:

Trường hợp Công ty đăng ký kê khai và nộp thuế tại Cục thuế tỉnh Bình Dương, Công ty trực tiếp ký hợp đồng lao động, khấu trừ, nộp thuế TNCN từ tiền lương tiền công của người lao động làm việc tại Chi nhánh Hải Phòng và các cửa hàng trực thuộc Hải Phòng thì Công ty xử lý như sau:

– Nếu Chi nhánh Hải Phòng trả thu nhập cho người lao động tại Hải Phòng thì Chi nhánh Hải Phòng có trách nhiệm kê khai, khấu trừ và nộp hồ sơ khai thuế TNCN cho Cục thuế Thành phố Hải Phòng bằng mã số thuế Chi nhánh.

– Nếu Công ty trả thu nhập cho người lao động tại Hải Phòng thì đối với các kỳ tính thuế bắt đầu từ ngày 01/01/2022 trở đi, Công ty thực hiện khấu trừ, kê khai thuế TNCN đối với thu nhập từ tiên lương, tiền công theo mẫu số 05/KK-TNCN, phụ lục bảng xác định số thuế TNCN phải nộp cho các địa phương được hưởng thu theo mẫu số 05-1/PBT-KK-TNCN (ban hành kèm theo Phụ lục II Thông tư số 80/2021/TT-BTC) cho Cục thuế tỉnh Bình Dương bằng mã số thuế Công ty; đồng thời nộp số thuế TNCN đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công vào ngân sách nhà nước cho Cục thuế Thành phố Hải Phòng quy định tại khoản 4 Điều 12 và điểm a.1 khoản 3 Điều 19 Thông tư số 80/2021/TT-BTC ngày 29/09/2021 của Bộ Tài chính.

 

 

III. THUẾ GTGT

 

Không Phải Kê Khai, Nộp Thuế GTGT Khi Phát Sinh Bán Hàng Vãng Lai Ngoại Tỉnh

Ngày 12/01/2022, Cục thuế tỉnh Hưng Yên ban hành Công văn số 207/CTHYE-TTHT về chính sách thuế GTGT. Nội dung cụ thể như sau:

Từ ngày 01/01/2022, trường hợp chi nhánh Công ty tại miền Bắc có trụ sở tại tỉnh Hải Dương, phát sinh hoạt động bán hàng vãng lai tại tỉnh Hưng Yên thì không phải kê khai, nộp thuế tại tỉnh Hưng Yên.

Trường hợp Chi nhánh đã được Cục thuế tỉnh Hưng Yên thông báo mã số thuế vãng lai không còn phát sinh nghĩa vụ thuế tại tỉnh Hưng Yên thì Công ty nộp hồ sơ chấm dứt hiệu lực mã số thuế vãng lai tại Cục Thuế tỉnh Hưng Yên bao gồm: Văn bản đề nghị chấm dứt hiệu lực mã số thuế theo mẫu số 24/ĐK-TCT ban hành kèm theo Thông tư số 105/2020/TT-BTC ngày 03/12/2020 của Bộ Tài chính Hướng dẫn về đăng ký thuế, bản sao thông báo mã số thuế vãng lai không còn phát sinh nghĩa vụ thuế của Chi nhánh.

 

 

IV. CHÍNH SÁCH THUẾ

 

Không Được Viết Tắt Nơi Sản Xuất Hàng Hóa

Từ 15/02/2022, Nghị định số 111/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 43/2017/NĐ-CP của Chính phủ về nhãn hàng hóa sẽ có hiệu lực. Nghị định mới sửa đổi, bổ sung nội dung về xuất xứ hàng hóa, trong đó tổ chức, cá nhân sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu tự xác định và ghi xuất xứ hàng hóa của mình. Việc này phải bảo đảm trung thực, chính xác, tuân thủ các quy định pháp luật tại Việt Nam hoặc các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia.

Xuất xứ hàng hóa ghi trên nhãn thể hiện bằng một trong các cụm từ như "sản xuất tại", "chế tạo tại", "nước sản xuất", "xuất xứ", "sản xuất bởi", "sản phẩm của" kèm tên nước hoặc vùng lãnh thổ sản xuất ra hàng hóa hoặc ghi theo quy định pháp luật về xuất xứ hàng hóa.

Trường hợp hàng hóa không xác định được xuất xứ theo quy định nêu trên thì ghi nơi thực hiện công đoạn cuối cùng để hoàn thiện hàng hóa. Thể hiện bằng một trong các cụm hoặc kết hợp các cụm từ thể hiện công đoạn hoàn thiện hàng hóa như "lắp ráp tại", "đóng chai tại", "phối trộn tại", "hoàn tất tại", "đóng gói tại", "dán nhãn tại" kèm tên nước hoặc vùng lãnh thổ nơi thực hiện công đoạn cuối cùng để hoàn thiện hàng hóa.

Tên nước hoặc vùng lãnh thổ sản xuất ra hàng hóa hoặc nơi thực hiện công đoạn cuối cùng để hoàn thiện hàng hóa không được viết tắt.

 

Hướng dẫn khai thuế thay, nộp thuế thay đối với khoản thưởng khuyến mại, chiết khấu thương mại cho hộ khoán

Công văn số 346/TCT-DNNCN ngày 9/2/2022 về hướng dẫn khai thuế thay, nộp thuế thay đối với khoản thưởng khuyến mại, chiết khấu thương mại cho hộ khoán.

(2) Quy định về chính sách thuế đối với chiết khấu thương mại

- Tại điểm đ, khoản 5, Điều 7 Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế:

“đ) Tổ chức chi trả các khoản thưởng, hỗ trợ đạt doanh số, khuyến mại, chiết khấu thương mại, chiết khấu thanh toán, chi hỗ trợ bằng tiền hoặc không bằng tiền cho cá nhân là các hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán thì tổ chức có trách nhiệm khai thuế thay và nộp thuế thay cho cá nhân theo quy định.”

- Tại khoản 22 Điều 7 Thông tư 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Luật Thuế giá trị gia tăng và Nghị định số 209/2013/NĐ-CP ngày 18/12/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều Luật Thuế giá trị gia tăng hướng dẫn: Trường hợp cơ sở kinh doanh áp dụng hình thức chiết khấu thương mại dành cho khách hàng (nếu có) thì giá tính thuế GTGT là giá bán đã chiết khấu thương mại dành cho khách hàng. Trường hợp việc chiết khấu thương mại căn cứ vào số lượng, doanh số hàng hóa, dịch vụ thì số tiền chiết khấu của hàng hóa đã bán được tính điều chỉnh trên hóa đơn bán hàng hóa, dịch vụ của lần mua cuối cùng hoặc kỳ tiếp sau. Trường hợp số tiền chiết khấu được lập khi kết thúc chương trình (kỳ) chiết khấu hàng bán thì được lập hóa đơn điều chỉnh kèm bảng kê các số hóa đơn cần điều chỉnh, số tiền, tiền thuê điều chỉnh. Căn cứ vào hóa đơn điều chỉnh, bên bán và bên mua kê khai điều chỉnh doanh thu mua, bán, thuê đầu ra, đầu vào. ”

(4) Quy định về hiệu lực áp dụng đối với trách nhiệm khai thay, nộp thay Tại khoản 5 Điều 20 Thông tư số 40/2021/TT-BTC ngày 01/6/2021 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn:

“5. Tổ chức khai thuế thay, nộp thuế thay cho hộ khoán theo quy định tại điểm đ khoản 5 Điều 7 Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ thực hiện khai thuế thay, nộp thuế thay cho hộ khoán theo hướng dẫn tại Thông tư này kể từ thời điểm hiệu lực của Thông tư.”

(6) Quy định về chính sách thuế đối với trúng thưởng từ khuyến mại Căn cứ quy định và hướng dẫn nêu trên thì chính sách thuế đối với hoạt động chiết khấu thương mại và hoạt động khuyến mại được thực hiện như sau:

- Về khoản chiết khấu thương mại: Trường hợp Công ty sản xuất thức ăn gia súc, gia cầm và chăn nuôi thực hiện việc chiết khấu thương mại cho khách hàng là hộ kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán mua hàng với khối lượng lớn, bao gồm cả trường hợp hộ kinh doanh ngành nghề sản xuất (mua thức ăn gia súc, gia cầm để chăn nuôi, không bán lại và không thuộc diện được miễn thuế theo quy định đối với hộ trực tiếp sản xuất nông nghiệp) thì Công ty chỉ thực hiện khai thay, nộp thay thuế TNCN cho hộ khoán theo mức thuế suất thuế TNCN 0,5%. Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh chịu trách nhiệm khi cung cấp thông tin về phương pháp tính thuế của hộ kinh doanh cho tổ chức để tổ chức thực hiện khai thuế thay, nộp thuế thay nếu hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh là hộ khoán. Cơ quan thuế căn cứ cơ sở dữ liệu về khai thuế, hóa đơn, chứng từ của người nộp thuế để quản lý rủi ro trong trường hợp này. Việc khai thuế thay, nộp thuế thay cho hộ khoán theo quy định tại điểm đ khoản 5 Điều 7 Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ được thực hiện kể từ ngày 01/8/2021 (hiệu lực của Thông tư số 40/2021/TT-BTC).

- Về khoản khuyến mại: Trường hợp tổ chức thực hiện chương trình khuyến mại đúng quy định tại khoản 5, khoản 6 Điều 92 của Luật thương mại số 36/2005/QH11 ngày 14/6/2005 của Quốc hội thì khoản tiền, hiện vật hộ khoán nhận được vượt trên 10 triệu đồng thuộc diện chịu thuế thu nhập cá nhân từ trúng thưởng. Tổ chức chi trả thưởng từ khuyến mại thực hiện việc khấu trừ thuế theo hướng dẫn tại Điều 15, điểm g khoản 1 Điều 25 Thông tư số 111/2013/TT-BTC ngày 15/8/2013 của Bộ Tài chính.

 

 

V. THÔNG TIN VỀ TIỀN LƯƠNG, BẢO HIỂM XÃ HỘI

 

Người Lao Động Thời Vụ Được Làm Thêm Đến 40 Giờ Mỗi Tháng

Từ 01/02/2022, Thông tư 18/2021/TT-BLĐTBXH do Bộ trưởng Lao động Thương binh và Xã hội ban hành quy định về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi đối với người lao động làm các công việc sản xuất có tính thời vụ, công việc gia công theo đơn đặt hàng sẽ có hiệu lực.

Theo đó, thay vì 32, số giờ làm thêm của người lao động thời vụ tăng lên 40 mỗi tháng. Tổng số giờ làm việc tiêu chuẩn và số giờ làm thêm trong một tuần cũng tăng lên 72 một tuần (trước đây là 60). Tổng giờ làm việc tiêu chuẩn và giờ làm thêm trong một ngày không quá 12.

Hàng tuần, người lao động được nghỉ ít nhất một ngày (24 giờ liên tục). Trong những tháng thời vụ hoặc phải gấp rút gia công hàng xuất khẩu theo đơn đặt hàng, nếu không thực hiện được nghỉ hằng tuần thì phải bảo đảm hằng tháng có ít nhất 4 ngày nghỉ cho người lao động. Chủ sử dụng phải bố trí để người lao động được nghỉ ngày nghỉ lễ, tết, nghỉ hằng năm và các ngày nghỉ có hưởng lương khác...

CÔNG TY TNHH KIỂM TOÁN VÀ TƯ VẤN TÀI CHÍNH TOÀN CẦU

Văn phòng chính : Tầng 19, Khu A, Toà nhà Indochina Park Tower

Văn phòng giao dịch:  Phòng12A03, Tầng 12 và Phòng15A01, Tầng 15, Khu A, Toà nhà Indochina Park Tower

Số 4 Nguyễn Đình Chiểu, Phường Đakao ,Q.1 ,TP.HCM

Hotline: 0918 70 85 72

Tel: (84-28) 62 998 263/64        Fax: (84-28) 62 998 267

Email: info@globalauditing.com